Qua kết quả rà soát, thống kê các điều khoản được giao trong Luật Hợp tác xã, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở và Luật Giáo dục nghề nghiệp cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần xây dựng, ban hành 28 văn bản. Tính đến ngày 28/10/2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành được 22/28 văn bản, đạt 78,57%. Trong đó, đã ban hành được 1/1 nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Hợp tác xã, 6/8 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư, 4/4 nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Doanh nghiệp, 4/6 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở, 7/9 văn bản quy định chi tiết Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết các Luật nêu trên thời gian qua đã được các Bộ, ngành thực hiện theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các dự thảo văn bản quy định chi tiết đều được cơ quan chủ trì tổ chức lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và các cơ quan, đơn vị có liên quan; đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, cơ quan ngang Bộ để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; thực hiện đánh giá về thủ tục hành chính, góp ý, thẩm định văn bản.
Trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo văn bản, các Bộ, ngành đã tích cực huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, các tổ chức xã hội… vào quá trình xây dựng, ban hành văn bản. Các Bộ, ngành còn chỉ đạo, phát huy vai trò của tổ chức pháp chế và các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập các dự án luật trong việc xây dựng văn bản quy định chi tiết đảm bảo tính tiếp nối, thống nhất, phù hợp của văn bản quy định chi tiết với tinh thần của Luật.
Các văn bản quy định chi tiết thi hành cũng cơ bản bảo đảm chất lượng; ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu. Trong quá trình soạn thảo, các phản ánh, kiến nghị của dư luận, báo chí, các tổ chức, cá nhân về nội dung của văn bản được cơ quan soạn thảo, ban hành văn bản nghiên cứu nghiêm túc và có biện pháp xử lý kịp thời. Các thủ tục hành chính trong văn bản quy định chi tiết được rà soát, cân nhắc kỹ, bảo đảm có chất lượng, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách thủ tục hành chính; nhiều thủ tục rườm rà, không cần thiết, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền loại bỏ, nhất là các văn bản quy định chi tiết Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở.
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, công tác rà soát lập danh mục văn bản quy định chi tiết còn chậm, thiếu thống nhất, định hướng ngay từ đầu, nhất là đối với thông tư và thông tư liên tịch. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp phải báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho rút hoặc gộp nhiều văn bản để ban hành thành một văn bản hoặc đưa nội dung vào văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, công tác nghiên cứu soạn thảo hầu hết văn bản còn chậm, không bảo đảm tiến độ, thời hạn trình, ban hành nên không được ban hành kịp thời để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật. Trong đó, số lượng văn bản nợ đọng còn tương đối lớn, với 6/28 văn bản cần ban hành (chiếm 21,43%), ảnh hưởng trực tiếp đến công tác triển khai thi hành luật, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân.
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành đã báo cáo tình hình triển khai xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, thẳng thắn trao đổi các nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế. Để tăng cường công tác triển khai thi hành và ban hành văn bản quy định chi tiết, các Bộ, ngành liên quan sẽ tập trung thời gian, nguồn lực cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành còn nợ đọng. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ rà soát, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ ban hành hết 6 văn bản quy định chi tiết còn nợ.
Nhận thấy trong số đã ban hành không văn bản quy định chi tiết nào có hiệu lực đồng thời với các Luật trên và còn nợ đọng một số văn bản, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng yêu cầu phải chỉ rõ nguyên nhân, trong đó phải kiểm điểm trung thực những nguyên nhân chủ quan. Thứ trưởng cũng mong muốn phải đề cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp, kể cả Bộ Tư pháp.
Thục Quyên
Ảnh Cục CNTT