Nhà nước chỉ giữ vai trò hỗ trợ
Về giá trị pháp lý của thỏa thuận hòa giải thành, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết: Nhằm đảm bảo tính khả thi của hoạt động hòa giải, Dự thảo Nghị định quy định khi các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành để giải quyết một phần hoặc toàn bộ tranh chấp thì thỏa thuận hòa giải thành đó có hiệu lực ràng buộc đối với các bên. Hiện Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định về việc công nhận thỏa thuận hòa giải thành ngoài tòa án nên hướng tới sự phù hợp với quy định này và nâng cao hiệu quả của phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, Dự thảo Nghị định quy định một hoặc các bên có quyền yêu cầu Tòa án công nhận thỏa thuận hòa giải thành. Trình tự, thủ tục công nhận thỏa thuận thành được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Một số ý kiến đồng tình với quy định thỏa thuận hòa giải thành phải được Tòa án công nhận, được thi hành như bản án, quyết định của Tòa án vì bản thân thỏa thuận hòa giải thành không có hiệu lực. Tuy nhiên, đa số đại biểu lại cho rằng như vậy là không tôn trọng quyền lựa chọn của các bên tranh chấp. Luật sư Dương Quốc Thành (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đề nghị, Dự thảo Nghị định và cả Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự nên quy định chỉ cần đăng ký thỏa thuận hòa giải thành tại Tòa án. Bình luận việc công nhận của Tòa án tức là phải qua tố tụng sẽ kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp khi các bên đã đạt được thỏa thuận, Luật sư Phạm Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) thậm chí còn mong muốn thỏa thuận hòa giải thành phải được xem như văn bản để cơ quan thi hành án thi hành được luôn.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng nhấn mạnh phải tôn trọng nguyên tắc tự do thỏa thuận, tự do hợp đồng. Phần việc mà Nhà nước tham gia chỉ ở mức độ tối thiểu, trong trường hợp các bên không tự nguyện thi hành thỏa thuận đó thì Nhà nước mới hỗ trợ để thực hiện thỏa thuận, chứ không can thiệp vào thỏa thuận giữa các bên. Vì vậy, Thứ trưởng tán thành không nên bắt buộc qua quy trình Tòa án công nhận thỏa thuận hòa giải thành mới có giá trị.
Phải có kỹ năng hòa giải
Cục trưởng Đỗ Hoàng Yến lý giải, để hòa giải thương mại trở thành hoạt động dịch vụ giải quyết tranh chấp chuyên nghiệp, đòi hỏi phải có quy định tiêu chuẩn “cứng” để trở thành hòa giải viên thương mại. Theo đó, ngoài các tiêu chuẩn bao gồm có năng lực hành vi dân sự, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan, có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, hiểu biết tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan thì hòa giải viên thương mại còn phải có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo lĩnh vực được đào tạo từ 2 năm trở lên nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp hóa và chất lượng của hoạt động hòa giải thương mại.
Nhiều ý kiến phân tích, hòa giải viên thương mại chỉ đóng vai trò trung gian, không phải là người giải quyết tranh chấp như thẩm phán và trọng tài viên nên quy định tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại theo hướng đơn giản, linh hoạt. Quy định như vậy cũng phù hợp với thông lệ quốc tế về hoạt động hòa giải thương mại. Pháp luật của đa số các nước và Luật mẫu của UNCITRAL đều không quy định cứng về tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại.
Dẫn chứng một Tòa án nước ngoài có tới 98% vụ việc là qua hòa giải, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc yêu cầu sàng lọc lại, chỉ giữ những tiêu chuẩn thật cần thiết. Trong đó, quan trọng nhất là phải có kỹ năng hòa giải bởi trong quá trình hòa giải có nhiều nguyên tắc cần tuân thủ như không được áp đặt ý chí chủ quan của hòa giải viên, tôn trọng thỏa thuận của các bên tranh chấp…
Thục Quyên
Anh Cục CNTT