Hội nghị tập huấn chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng trong việc thực thi Công ước ICCPR

26/10/2015
Hội nghị tập huấn chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng trong việc thực thi Công ước ICCPR
Trong khuôn khổ Dự án “Chương trình đối tác tư pháp” do Đan Mạch tài trợ, trong hai ngày (26-27/10/2015), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn “Chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng trong việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (Công ước ICCPR)” tại thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định: Quyền con người luôn là khát vọng của nhân loại và được thừa nhận rộng rãi trong pháp luật của nhiều quốc gia từ hàng trăm năm trở lại đây. Trong thời gian qua cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội thì Việt Nam cũng đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong việc ghi nhận, thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm quyền con người. Đỉnh cao của thành tựu là Hiến pháp năm 2013 với nhiều quy định mới và cách tiếp cận mới về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Để thi hành Hiến pháp năm 2013 thì hệ thống pháp luật hiện đang được rà soát để sửa đổi, bổ sung. Ngay tại kỳ họp cuối năm 2015 một loạt đạo luật quan trọng liên quan tới quyền con người được trình Quốc hội thông qua hoặc cho ý kiến như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật về Hội, Luật Tiếp cận thông tin… Điều đáng lưu ý là khi thảo luận các dự án luật này thì nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề từ góc độ quyền con người. Qua đó, có thể thấy vấn đề ghi nhận, thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm quyền con người không phải là vấn đề từ bên ngoài mà là một nhu cầu khách quan đặt ra từ giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Công ước ICCPR là một trong số những công ước quan trọng nhất về quyền con người, Việt Nam đã gia nhập Công ước ICCPR từ năm 1982. Trở thành thành viên của Công ước, Việt Nam có cơ hội để thể hiện cam kết bảo vệ nhân quyền. Mặt khác, với tư cách là quốc gia thành viên Công ước ICCPR, Việt Nam có nghĩa vụ xây dựng Báo cáo quốc gia về việc thực thi Công ước. Tính từ thời điểm gia nhập đến nay, Việt Nam đã xây dựng và bảo vệ 02 Báo cáo quốc gia về việc thực thi Công ước này. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức giao Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối quốc gia thực thi Công ước ICCPR. Khi được Thủ tướng Chính phủ giao làm cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước ICCPR cho đến nay, Bộ Tư pháp đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đánh giá tổng qua về thực hiện Công ước ICCPR tại Việt Nam như tiến hành rà soát các quy định của Công ước với pháp luật Việt Nam phục vụ việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhất là trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013, phối hợp với các Bộ, ban, ngành nghiên cứu, xây dựng Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (Báo cáo lần thứ 3)… Nhằm tiếp tục thu thập thông tin đánh giá đúng về việc thực hiện Công ước ICCPR phục vụ xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ 3 cũng như là để nâng cao nhận thức về quyền con người, góp phần hoàn thiện thể chế pháp luật, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội, ổn định an ninh-chính trị, Bộ Tư pháp thấy rằng cần phải có nhiều thông tin từ thực tiễn thi hành pháp luật về các quyền dân sự, chính trị, những khó khăn, thuận lợi trong việc thực thi Công ước ICCPR

Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng Báo cáo cũng như bảo đảm thực hiện các quyền được quy định tại Công ước ICCPR, các đại biểu tham dự đã tích cực trao đổi, thảo luận sâu về các nội dung liên quan đến thực trạng pháp luật hiện hành quy định về các quyền dân sự và chính trị, thực trạng thi hành pháp luật trong lĩnh vực này như quyền không bị tra tấn, đối xử hoặc bị áp dụng hình phạt một cách tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc nhục hình; quyền sống; quyền bất khả xâm phạm về thân thể; quyền riêng tư; quyền của trẻ em… Ngoài ra, các đại biểu cũng đưa ra những vấn đề thực tiễn, kỹ năng, kinh nghiệm xử lý các vấn đề pháp luật về quyền con người, như vấn đề nội luật hóa các quy định Công ước, việc xử lý áp dụng pháp luật khi có quy định khác với Công ước…

Kết quả của Hội nghị là thông tin đầu vào quan trọng để Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn Công ước ICCPR nhằm góp phần  thúc đẩy việc thực hiện các cam kết liên quan đến bảo vệ quyền con người, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc ./.


Lê Thị Hồng Hải Vụ Pháp luật quốc tế