“Tuýt còi” một loạt văn bản của Bộ Xây dựng

14/04/2010
Hôm qua (13/4), ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (KTVBQPPL), Bộ Tư pháp cho biết đã ký công văn đề nghị Bộ Xây dựng xem lại tính hợp pháp của nhiều văn bản mà Bộ này đã ban hành khi hướng dẫn thực hiện quy chế khu đô thị mới.

Từ công văn chứa nội dung quy phạm pháp luật

Trao đổi với phóng viên Báo PLVN, ông Lê Hồng Sơn cho biết, theo thẩm quyền, Cục KTVBQPPL đã kiểm tra tính hợp pháp đối với nội dung công văn số 03/BXD-PTĐT ngày 26/3/2010 và Thông tư số 04/2006/TT-BXD ngày 18/8/2006 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Quy chế khu đô thị mới ban hành kèm theo Nghị định số 02/2006/NĐ-CP ngày 5/01/2006 về Quy chế khu đô thị mới và phát hiện nhiều lỗi sai trong các văn bản này.

Cụ thể, Công văn số 03 được thể hiện dưới dạng trả lời cho một doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội là Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam về Khu đô thị mới C2 - Dự án đối ứng của Dự án BT xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Sở - Hoàng Mai - Hà Nội, tuy nhiên, với cách đưa ra nội dung tại Công văn này, các doanh nghiệp nói chung đều có thể áp dụng như một quy định mang tính quy phạm phổ biến. Công văn hướng dẫn doanh nghiệp: “thời điểm đầu tiên của chủ đầu tư được phép huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà ở trong dự án khu đô thị mới nêu trên thông qua hợp đồng giữa bên bán và bên mua là sau khi dự án đã được UBND thành phố Hà Nội cho phép đầu tư và chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng, bắt đầu triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo giai đoạn đầu tư được xác định trong quyết định cho phép đầu tư. Việc huy động vốn chỉ được phép khi thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và công ty chứng minh được khả năng về tài chính để đầu tư xây dựng dự án theo quy định hiện hành và thực hiện khởi công công trình”.

 “Hướng dẫn như vậy là không đảm bảo sự tương thích giữa hình thức văn bản là Công văn với nội dung quy phạm pháp luật trong Công văn. Nội dung đó cần phải được quy định trong một văn bản QPPL của Bộ” – ông Sơn khẳng định. Cục trưởng Kiểm tra VBQPPL phân tích, việc đưa một số quy định, quy phạm hướng dẫn vào Công văn số 03 trong khi Công văn này lại do một Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị ký thừa lệnh Bộ trưởng là không phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPPL.

Phát hiện sai dây chuyền

Cũng theo ông Lê Hồng Sơn, căn cứ pháp lý được dẫn tại Công văn 03 là Thông tư số 04 và Nghị định số 02 có một số nội dung cần phải được xem xét, xử lý vì các văn bản này không phù hợp với quy định của Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 01/7/2006.

Công văn số 03 sử dụng Thông tư số 04 làm căn cứ pháp lý, trong khi Thông tư số 04 ban hành ngày 18/8/2006 là thời điểm Luật Nhà ở đã có hiệu lực. Điều 39 Luật Nhà ở năm 2005 quy định: Trường hợp chủ đầu tư huy động vốn từ tiền ứng trước của người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà thì chỉ được áp dụng trong trường hợp “thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã xây dựng xong phần móng”. Thông tư số 04 đã cho phép chủ đầu tư được huy động vốn từ khi “chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng và bắt đầu triển khai xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật theo giai đoạn đầu tư” sớm hơn thời điểm “đã xây dựng xong phần móng” được quy định tại Điều 39 của Luật Nhà ở” - ông Lê Hồng Sơn lý giải và khẳng định “nội dung Thông tư 04 đã có quy định khác với quy định của Luật Nhà ở là không bảo đảm tính hợp pháp”.

Ngoài ra, Công văn số 03 cũng có dẫn Nghị định số 02/2006/NĐ-CP ngày 5/01/2006 làm căn cứ trong khi Nghị định số 02 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/01/2006 là thời điểm trước khi Luật Nhà ở có hiệu lực. Như vậy, từ thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực, các nội dung của Nghị định số 02 phải được rà soát để bảo đảm sự phù hợp của các nội dung Nghị định với Luật Nhà ở, công bố việc bãi bỏ các quy định của Nghị định số 02 trái với Luật Nhà ở.

Hiện Cục KTVBQPPL đã đề nghị Bộ Xây dựng khẩn trương tiến hành rà soát Nghị định số 02 cho phù hợp với Luật Nhà ở. Đồng thời, tiến hành tự kiểm tra đối với Công văn số 03, Thông tư số 04 để đảm bảo tính hợp pháp của các văn bản này và thông báo kết quả xử lý cho Cục theo quy định của pháp luật.

Hồng Thúy