Tham gia Đoàn công tác liên ngành có ông Kiều Đình Thụ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội. Về phía Hội đồng tư pháp quốc gia, Tòa án tối cao Tây Ban Nha, tiếp Đoàn công tác liên ngành có ông Carlos Lesmes Serrano, Chủ tịch Hội đồng tư pháp quốc gia, Chánh án Toà án tối cao và một số thành viên Hội đồng tư pháp quốc gia.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác liên ngành được nghe ông Carlos Lesmes Serrano, Chủ tịch Hội đồng tư pháp quốc gia kiêm Chánh án tòa án tối cao giới thiệu về lịch sử thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức Hội đồng. Hội đồng được thành lập theo quy định của Hiến pháp của Vương quốc Tây Ban Nha năm 1978 với mục đích tạo sự độc lập trong quá trình xét xử của các chánh án, thẩm phán. Hội đồng Tư pháp quốc gia là cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, thanh tra và xử lý kỷ luật thẩm phán, công tố viên. Hội đồng bao gồm 20 thành viên do Nghị viện lựa chọn, bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm. 20 thành viên đó tiếp tục bầu ra Chủ tịch Hội đồng. Theo quy định của Hiến pháp Vương quốc Tây Ban Nha, Chủ tịch Hội đồng tư pháp quốc gia đương nhiên là Chánh án Tòa án tối cao.
Trao đổi với ông Carlos và các thành viên của Hội đồng tư pháp quốc gia, Bộ trưởng Hà Hùng Cường chia sẻ đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên Vương quốc Tây Ban Nha của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng chia sẻ những thông tin trong quá trình cải cách tư pháp và pháp luật trong hơn 20 năm qua, đặc biệt nhấn mạnh những cải cách trong lĩnh vực này trong 2 năm trở lại đây sau khi Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua. Bộ trưởng Hà Hùng Cường đặc biệt nhấn mạnh đến việc lần đầu tiên Hiến pháp năm 2013 quy định về kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực nhà nước lập pháp, hành pháp và tư pháp, trong đó quyền tư pháp được phân công rõ ràng cho các cơ quan tòa án.
Buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Đoàn cán bộ tư pháp liên ngành đã có buổi làm việc với ông Jose Manuel Garcia Collantes, Chủ tịch Hội đồng Công chứng Tây Ban Nha cùng một số thành viên Hội đồng công chứng Tây Ban Nha.
Tại buổi làm viêc với Hội đồng công chứng Tây Ban Nha, Đoàn công tác liên ngành được nghe ông Chủ tịch Hiệp hội công chứng giới thiệu lịch sử gần 800 năm hình thành và phát triển nghề công chứng ở Tây Ban Nha, về vị trí, vai trò và giá trị của nghề công chứng ở Tây Ban Nha, điều kiện trở thành công chứng viên và việc quản lý, giám sát công chứng viên. Ông Chủ tịch cũng chia sẻ việc sẵn sang hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển nghề công chứng, đào tạo công chứng viên cũng như việc thành lập Hiệp hội công chứng quốc gia.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thay mặt Đoàn công tác liên ngành cảm ơn ông Chủ tịch và Hội đồng đã dành thời gian tiếp Đoàn và sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực công chứng. Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã thông tin về tình hình phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam với tốc độ tăng trưởng GDP trong năm vừa qua là 6,8%, đây là nền tảng kinh tế ổn định cho sự phát triển nghề công chứng ở Việt Nam. Về lịch sử phát triển nghề công chứng ở Việt Nam, Bộ trưởng chia sẻ nghề công chứng cũng đã từng có mặt tại Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc, cách đây khoảng gần 200 năm. Luật công chứng đầu tiên được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2006. Năm 2013, Quốc hội thông qua Luật công chứng mới thay thế Luật công chứng năm 2006. Theo Luật công chứng mới, Việt Nam thành lập các hội công chứng tại các tỉnh, thành phố. Bộ Tư pháp đang xây dựng Đề án và dự kiến năm 2016 sẽ thành lập Hiệp hội công chứng toàn quốc. Theo Luật công chứng, các công chứng viên bắt buộc phải vào tham gia với tư cách thành viên của Hiệp hội công chứng Việt Nam.
Tại buổi làm việc với Hiệp hội luật sư Tây Ban Nha, ngài Carlos Carnicer, Chủ tịch Hiệp hội luật sư Tây Ban Nha đã thông tin cho Đoàn về lịch sử hình thành nghề luật sư ở Tây Ban Nha từ thế kỷ XIII (bắt đầu từ nước Pháp) nhấn mạnh luật sư là một nghề tư nhân nhưng giải quyết công vụ (công lại). Hiến pháp năm 1978 của Tây Ban Nha nhấn mạnh vai trò của luật sư trong bảo vệ quyền cơ bản của con người, cụ thể là khi một người bị bắt, tạm giam, tạm giữ bắt buộc phải có sự hỗ trợ của luật sư. Trong trường hợp người đó không có tiền thuê luật sư và phải tự chi trả. Trong Hội đồng Hiến pháp quốc gia Tây Ban Nha phải có đại diên của giới luật sư. Hiện nay số lượng luật sư ở Tây Ban Nha là 135,000 người đang hành nghề trên tổng số 45 triệu dân – một tỷ lệ khá cao so với các nước hiện nay. Trung bình mỗi năm có khoảng 1000 luật sư gia nhập trên thổng số 10,000 luật sư. Ông Chủ tịch Hiệp hội chia sẻ quan điểm cá nhân về việc nên có một mô hình đào tạo chung các nghề thẩm phán, công tố viên giống của Pháp và Đức mà không the mô hình phân tán như Tây Ban Nha hiện nay. Đặc biệt công tác trợ giúp pháp lý cho các đối tượng thiệt thòi do Hội luật sư địa phương đảm nhiệm và nhà nước chỉ có nghĩa vụ cấp kinh phí. Ông Chủ tịch bày tỏ mong muốn được thiết lập quan hệ hợp tác với liên đoàn luật sư Việt Nam.
Tại buổi làm việc với Ủy ban Tư pháp, Hạ viện Tây Ban Nha, ông Chủ tịch Ủy ban đã chia sẻ cơ chế làm việc ở Tây Ban Nha, vấn đề dân chủ hóa trong sửa đổi Bộ luật Hình sự, đặc biệt là quy trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân; vai trò của Ủy ban Tư pháp Nghị viện trong việc kiểm soát công tác chống tham nhũng của Chính phủ. Ông Chủ tịch bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam.
Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp đưa tin từ Thủ đô Madrid, Tây Ban Nha
Các tin liên quan: