Ngày 19/3/2010, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Hội đồng thẩm định đã tiến hành thẩm định dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 08/2000/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm.
Về sự cần thiết ban hành Nghị định
Đánh giá chung, các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí về tính cần thiết phải xây dựng dự thảo Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm thay thế cho Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 của Chính phủ hiện nay đã bộc lộ những điểm không phù hợp với thực tiễn, đồng thời hướng tới mục tiêu cải cách thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm thực sự đơn giản, nhanh chóng, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong quá trình áp dụng.
Về mục tiêu xây dựng Nghị định, phạm vi điều chỉnh của Nghị định
Đa số các thành viên Hội đồng thẩm định đồng tình với mục tiêu pháp điển các quy định pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm và quan điểm xây dựng một Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm theo hướng thu hút tập trung tất cả các quy định về lĩnh vực này vào một văn bản.
Riêng ý kiến của đại diện Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng có sự cân nhắc về phạm vi điều chỉnh với lập luận, đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất có tính chất đặc thù và hiện nay đã được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành, mặt khác việc áp dụng theo quy định hiện hành cũng không gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân.
Trao đổi, thảo luận về ý kiến nêu trên, các thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng, thực tế dự thảo Nghị định không làm thay đổi thẩm quyền hay chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan này mà chỉ đặt ra mục tiêu tập trung các quy định trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm. Liên quan đến đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các loại tài sản thì hiện nay có đến 6 Nghị định điều chỉnh, do đó cần có sự thống nhất các quy định đó, đảm bảo các trình tự thủ tục trở nên đơn giản dễ tra cứu, dễ nắm bắt và dễ thực hiện. Nếu không đạt được sự thống nhất thì việc xây dựng Nghị định này không còn nhiều ý nghĩa. Vấn đề đặt ra ở đây là việc xử lý, bãi bỏ các quy định của các Nghị định có liên quan, đòi hỏi Ban soạn thảo phải có bước tiến hành rà soát một cách chi tiết và cẩn thận.
Quy định về thời hạn có hiệu lực của đăng ký giao dịch bảo đảm
Dự thảo Nghị định đã đưa ra quy định chung về thời hạn có hiệu lực của đăng ký giao dịch bảo đảm, là thời hạn được tính từ thời điểm đăng ký cho đến thời điểm xóa đăng ký theo đơn của người yêu cầu xóa đăng ký.
Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng thẩm định đã đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng đối với quy định về việc đương nhiên hết hiệu lực của hợp đồng bảo đảm để có những quy định sát với thực tế, đảm bảo tính khả thi cũng như đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan.
Quy định về thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm cũng là vấn đề dành được nhiều sự quan tâm của Hội đồng thẩm định. Các thành viên đề nghị Ban soạn thảo có sự cân nhắc thêm về mục tiêu của việc đăng ký và lựa chọn ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người đăng ký hay người tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm để xem xét việc quy định thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm có gây phương hại đến quyền và lợi ích của các bên có liên quan trong giao dịch bảo đảm hay không.
Về quy định đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến
Hội đồng thẩm định đánh giá cao quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến, coi đây là bước phát triển đáng hoan nghênh, tuy nhiên các quy định về đăng ký trực tuyến thể hiện trong dự thảo Nghị định còn đơn giản, do đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và đề xuất những quy định trực tiếp và cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi của các quy định. Mặt khác, Ban soạn thảo dự thảo Nghị định cũng cần làm rõ về đối tượng đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm về đối tượng đăng ký (đăng ký bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển, trừ quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất).
Về thuật ngữ, có ý kiến của thành viên Hội đồng đề nghị bổ sung và làm rõ khái niệm “khách hàng thường xuyên” và khái niệm “đăng ký trực tuyến”
Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, có giải trình tiếp thu và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ cho ý kiến trong tháng 4 tới.
Thu Thủy - Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm