Sẽ đào tạo luật sư tranh tụng về thương mại quốc tế

05/06/2015
Triển khai Quyết định số 123/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020”, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã giao Học viện Tư pháp cùng một số đơn vị liên quan xây dựng Chương trình đào tạo luật sư thương mại quốc tế và mới đây Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã làm việc với các đơn vị về Chương trình này. Kỳ vọng qua Chương trình là có thể đào tạo được đội ngũ luật sư có khả năng tư vấn các vụ việc có yếu tố nước ngoài, thậm chí tham gia tranh tụng giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.

Với sự phát triển chung của xã hội, thời gian qua đội ngũ Luật sư (LS) Việt Nam đã có bước tiến đáng ghi nhận về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, số lượng LS giỏi, thông thạo pháp luật quốc tế và ngoại ngữ để giải quyết các tranh chấp thương mại, tư vấn cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong đàm phán, kinh doanh có yếu tố nước ngoài còn chiếm tỷ lệ rất thấp. Kết quả khảo sát năm 2008 cho thấy, chỉ có 1,2% số LS có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo trong hoạt động chuyên môn, tham gia thương lượng, đàm phán và giải quyết tranh chấp trực tiếp bằng tiếng Anh. Trong tổng số 1.500 tổ chức hành nghề LS Việt Nam, chỉ có khoảng 10 – 15 tổ chức hành nghề LS chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế.

Hiện nay, các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam như Đại học Luật, Khoa Luật Đại học Quốc gia, Đại học Ngoại thương, Đại học Ngoại giao... mới trang bị bước đầu các kiến thức về thương mại quốc tế cho sinh viên, chưa có một cơ sở nào đào tạo toàn diện các kiến thức về thương mại quốc tế và kỹ năng của LS trong việc tư vấn, tham gia giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Ở Việt Nam cũng chưa có chương trình đào tạo LS tương thích hoặc tương đương với các chương trình đào tạo LS ở các nước tiên tiến trên thế giới.

Việc đào tạo LS theo chương trình đào tạo 12 tháng tại Học viện Tư pháp chủ yếu tập trung vào trang bị các kỹ năng chung và kỹ năng hành nghề trong một số lĩnh vực phổ biến như tranh tụng trong vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu đủ về số lượng LS theo yêu cầu cải cách tư pháp. Các kỹ năng liên quan tới giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế chưa được đề cập một cách toàn diện và chuyên sâu trong chương trình đào tạo LS hiện nay.

Để góp phần nâng cao khả năng của đội ngũ LS Việt Nam trong việc tham gia giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, tư vấn các vụ việc có yếu tố nước ngoài, ngày 18/1/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 123/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ LS phục vụ hội nhập quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020”. Triển khai Quyết định 123, Chương trình đào tạo LS thương mại quốc tế dự kiến được xây dựng trên cơ sở chương trình chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới, phù hợp với yêu cầu, điều kiện của Việt Nam và áp dụng thống nhất cho các trung tâm đào tạo liên kết. Nội dung đào tạo sẽ chú trọng vào các kỹ năng hành nghề LS quốc tế, nhất là các kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại; tư vấn pháp luật trong các giao dịch thương mại quốc tế; kiến thức pháp luật về kinh doanh, thương mại quốc tế; đạo đức nghề nghiệp của LS; kỹ năng quản lý công việc và tiếng Anh pháp lý. Sau khi hoàn thành Chương trình, học viên được cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề LS và sẽ có những học viên được miễn một số tín chỉ trong Chương trình.

Tại buổi làm việc với các đơn vị diễn ra mới đây dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, nhiều ý kiến cho rằng cần đặt ra yêu cầu cao về ngoại ngữ. Q.Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Bạch Quốc An thẳng thắn, vài ba tín chỉ về tiếng Anh pháp lý không giải quyết được vấn đề, các học viên cũng không thể học vài bữa đã giỏi được nên đầu vào phải có tiếng Anh tốt. Các giảng viên đến từ Trường Đại học Ngoại thương góp ý, nên yêu cầu học viên đạt trình độ IELTS từ 6.5 trở lên mới có thể đáp ứng mục tiêu phục vụ hội nhập. Không những thế, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội Trần Quang Huy cho rằng, Chương trình cũng cần xác định chủ yếu dạy bằng tiếng Anh, do vậy ngoài yêu cầu với học viên thì cũng tính đến đội ngũ giảng viên.

Ngoài ra, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu lưu ý nghiên cứu xem xét tính liên thông trong đào tạo giữa Chương trình này với một số chương trình đào tạo khác như công chứng viên, chấp hành viên, 3 chung (kiểm sát viên, thẩm phán, LS) hay chương trình thạc sĩ ứng dụng mà Trường Đại học Luật đang vận hành… nhằm tăng tính hấp dẫn của Chương trình. Đặc biệt, nhiều ý kiến đề nghị trước mắt chỉ đào tạo khoảng 20 – 30 người để từ đó đúc rút kinh nghiệm, chứ chưa đào tạo một cách đại trà ngay từ đầu.

                                                Thục Quyên