Siết chặt đăng ký hộ tịch đối với cán bộ, công chức
Trên cơ sở yêu cầu cụ thể hóa quy định của Luật Hộ tịch, kế thừa quy định còn phù hợp của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch và bảo đảm tính thống nhất trong việc áp dụng các quy định pháp luật có liên quan đến việc đăng ký khai sinh, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về nguyên tắc xác định một số nội dung đăng ký khai sinh. Việc xác định này cũng đặc biệt hướng đến bảo đảm chặt chẽ trong việc xác định nội dung đăng ký khai sinh cho những trường hợp cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên, đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân nhưng chưa được đăng ký khai sinh, hạn chế tối đa những trường hợp lợi dụng việc đăng ký khai sinh nhằm mục đích trục lợi hoặc hợp thức hóa hồ sơ, giấy tờ cá nhân.
Theo đó, trường hợp đăng ký khai sinh cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân thì nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân hợp lệ được lập đầu tiên của người đó. Trường hợp người được đăng ký khai sinh là cán bộ, công chức, viên chức hoặc cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng vũ trang hoặc người đang giữ chức vụ trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thì nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo hồ sơ cán bộ gốc của người đó. Ngoài ra, Dự thảo Nghị định nêu rõ các loại giấy tờ và trình tự, thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký lại khai sinh cho những trường hợp này.
Trước câu hỏi của đại biểu đến từ Bộ Y tế về điều kiện đăng ký lại khai sinh, đại diện Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực – đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định - Cục trưởng Nguyễn Công Khanh lý giải, điều kiện để được đăng ký lại khai sinh là sổ hộ tịch, giấy tờ hộ tịch bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được. Còn đối với các cán bộ, công chức thì trong hồ sơ cán bộ hầu hết đều có giấy khai sinh (chỉ thường không có sổ gốc hộ tịch) nên không bắt buộc phải đăng ký lại, nhưng nếu loại giấy tờ hộ tịch này không hợp lệ sẽ phải đăng ký lại.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Nguyễn Văn Lâm băn khoăn, để đăng ký khai sinh hay đăng ký lại mà yêu cầu có giấy tờ chứng minh nhân thân, giấy tờ chứng minh nơi cư trú, học bạ, văn bằng, chứng chỉ sẽ là rất mâu thuẫn. Ông Lâm lo ngại, quy định này không những không giải quyết được thực trạng hiện nay mà có thể gây xáo trộn trong công tác quản lý và sẽ bị nhiều người lợi dụng.
Không tạo rào cản trong kết hôn có yếu tố nước ngoài
Theo Nghị định 126/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, thẩm quyền cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thuộc UBND cấp xã. Thực tế quản lý hộ tịch cho thấy, quy định như hiện hành dẫn đến khó khăn trong việc xác định trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính, kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Vì thế, để bảo đảm tính thống nhất, phân cấp triệt để về thẩm quyền giải quyết các loại việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài, Dự thảo Nghị định quy định: “UBND cấp huyện, nơi đăng ký thường trú của công dân Việt Nam thực hiện cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước để kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài”.
Trong thủ tục để được cấp giấy xác nhận, tiếp tục duy trì quy định về phỏng vấn nhưng Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Trần Thị Lệ Hoa cho biết, việc phỏng vấn sẽ chỉ kiểm tra, làm rõ về nhân thân, mục đích kết hôn, khả năng giao tiếp của hai bên nam, nữ và sự hiểu biết về phong tục tập quán, văn hóa, pháp luật về hôn nhân và gia đình của mỗi nước, chứ không phỏng vấn những chi tiết mang tính riêng tư kiểu hai bên quen nhau, gặp nhau như thế nào, tìm hiểu nhau ra sao… Cục trưởng Nguyễn Công Khanh mạnh dạn đề xuất, không nhất thiết phỏng vấn tất cả trường hợp, có thể chỉ phỏng vấn nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, có đơn khiếu nại, tố cáo hoặc có cơ sở cho rằng kết hôn giả mạo.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc quán triệt, Luật Hộ tịch có nhiều quy định rất thông thoáng, đổi mới, đòi hỏi Dự thảo Nghị định phải tạo được “cú hích” nhằm thay đổi, hạn chế những bất cập, yếu kém hiện nay trong lĩnh vực hộ tịch vốn rất quan trọng trong suốt cuộc đời của một con người. Tuy nhiên, Thứ trưởng nhận thấy, Dự thảo Nghị định chưa đạt nguyên tắc cao nhất về việc giấy tờ hộ tịch phải là giấy tờ gốc bởi nếu cho sửa đổi quá dễ sẽ không đạt được mục đích quản lý và bảo vệ quyền con người. Riêng với thủ tục phỏng vấn, Thứ trưởng đồng tình rằng không cần phỏng vấn 100% trường hợp mà có thể qua đọc hồ sơ, cán bộ hộ tịch cảm thấy “gợn” thì mới yêu cầu phỏng vấn và muốn vậy thì cán bộ hộ tịch phải tự nâng tầm. “Chủ trương của chúng ta là không khuyến khích hôn nhân quốc tế nhưng khi công dân Việt Nam và người nước ngoài đến với nhau, Nhà nước phải tạo thuận lợi, không gây ra rào cản trong kết hôn có yếu tố nước ngoài” – Thứ trưởng Ngọc nêu quan điểm.
Thục Quyên