Để khắc phục những hạn chế của hệ thống pháp luật, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từ năm 2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Nghị quyết đề ra mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch; đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật… Mới đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 277-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị, gồm 12 đồng chí do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng Ban.
|
|
Thông báo Quyết định số 277 tại Hội nghị, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho biết nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48, báo cáo Bộ Chính trị trước ngày 31/12/2015 và hiện Ban Chỉ đạo đã ban hành Kế hoạch số 01-KH/BCĐ triển khai tổng kết. Quán triệt Kế hoạch 01, Thứ trưởng nhấn mạnh, việc tổng kết nhằm đánh giá thực trạng tình hình thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam 10 năm qua với trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; phát huy vai trò của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, tăng cường hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Ngoài ra, qua tổng kết cần đề xuất định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật.
Với mục đích trên, việc tổng kết phải bảo đảm đánh giá một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác quá trình thực hiện Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như làm rõ kết quả đạt được, chưa đạt được so với yêu cầu Nghị quyết đặt ra và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng bộ, ngành, địa phương trong 10 năm… Cũng theo Thứ trưởng, nội dung tổng kết chú trọng vào kết quả quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của các cấp ủy đảng và kết quả thực hiện mục tiêu, quan điểm, định hướng, giải pháp xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Sau khi nghe Thứ trưởng Đinh Trung Tụng quán triệt Kế hoạch và gợi ý một số nội dung thảo luận, các đại biểu tham dự Hội nghị đã thẳng thắn trao đổi những băn khoăn, vướng mắc của mình và nêu lên một số đề xuất, kiến nghị. Đại biểu tỉnh Hà Giang đặt hàng loạt câu hỏi “đối với cấp tỉnh có phải thành lập Ban Chỉ đạo không, có cần tổ chức hội nghị tổng kết không, có phải chỉ đạo cấp huyện xây dựng kế hoạch tổng kết không hay chỉ gửi báo cáo tổng kết về Ban Chỉ đạo Trung ương”? Đại biểu tỉnh Nghệ An thì đề nghị “Ban Chỉ đạo Trung ương hướng dẫn thống nhất đề cương báo cáo tổng kết, không để mỗi địa phương làm một kiểu”. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính Đặng Công Khôi cho rằng, việc tổng kết “vô cùng gấp gáp (Kế hoạch 01 đề ra là hoàn thành trước ngày 10/7/2015 đối với các cơ quan nhà nước) sẽ không thể đủ thời gian cho việc tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Kế hoạch tổng kết”.
Giải đáp những băn khoăn, vướng mắc của các đại biểu, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh khẳng định, theo chỉ đạo thì hiện nay không đặt vấn đề phải có Ban Chỉ đạo tổng kết cấp tỉnh và sẽ phản ánh đến Ban Chỉ đạo Trung ương. Phó Trưởng Ban Nội chính nhấn mạnh, cần quan tâm đến chất lượng của báo cáo tổng kết, chú trọng đánh giá mặt được, mặt chưa được, tập trung tổng kết việc thực hiện 6 định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và 5 giải pháp về thi hành pháp luật được xác định trong Nghị quyết.
Hoàng Vy Anh