Đồng chủ trì Hội thảo có Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Lê Tiến Châu. Cùng tham dự Hội thảo còn có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, một số Bộ, ngành và địa phương.
Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong và ngoài ngành Tư pháp để hoàn thiện Báo cáo đánh giá thực trạng BĐG và bảo đảm quyền của phụ nữ trong việc tiếp cận các dịch vụ công của ngành Tư pháp, đề xuất các mục tiêu, giải pháp cho kế hoạch hành động BĐG ngành Tư pháp trong giai đoạn 2016-2020.
Tại Hội nghị, ông Trần Văn Quảng cho biết, năm 2014 đã đánh dấu bước quan trọng trong việc ban hành các văn bản bản quy phạm pháp luật trong đó có Luật Hộ tịch và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự. Đây là hai Luật quan trọng, đặt nền móng cho dịch vụ công của ngành Tư pháp. Lần đầu tiên trong lịch sử nhà nước Việt Nam, Luật Hộ tịch được ban hành để bảo đảm cho công tác hộ tịch đi vào nề nếp (trước đây là các văn bản dưới luật). Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ những băn khoăn về việc khi đã có Luật Hộ tịch thì phải làm như thế nào để toàn bộ tư tưởng về quyền con người, quyền công dân ghi nhận trong Hiến pháp phải được thể hiện trong các Luật chuyên ngành.
Theo ông, trước tiên là vấn đề nhận thức trong vấn đề BĐG và quyền của phụ nữ trong tiếp cận dịch vụ công trong ngành tư pháp. Vấn đề này phụ thuộc vào nhận thức của người dân và của chính những người làm công tác về dịch vụ công trong ngành Tư pháp. Nhận thức về vấn đề này đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên người dân còn chưa nắm sâu và đầy đủ về các quy định này. Kỹ năng lồng ghép vấn đề BĐG trong lĩnh vực trên của các cơ quan, công chức thực hiện những việc trên còn hạn chế mặc dù có hiểu biết, tiếp cận dễ dàng với pháp luật về BĐG.
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cho biết, trong quá trình xây dựng Luật Hộ tịch, vấn đề bảo đảm giới là một nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt. Việc lồng ghép giới trong Luật Hộ tịch nhằm hướng tới việc bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về BĐG trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo quy định tại Điều 20 của Luật Bình đẳng giới, qua đó thể hiện sự phù hợp và tương thích của pháp luật Việt Nam với Điều 9 và Điều 16 của Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (Công ước CEDAW), cũng như khuyến nghị chung của Ủy ban CEDAW liên quan đến việc bảo đảm các quyền con người của phụ nữ - nam giới trong xã hội và gia đình. Bên cạnh đó, việc lồng ghép vấn đề BĐG cũng giúp thúc đẩy tiến trình bảo đảm BĐG thực chất giữa phụ nữ và nam giới trong các vấn đề liên quan đến đăng ký hộ tịch.
Bà Francesca Del Mese, Chuyên gia quốc tế vui mừng nhận thấy vấn đề bảo đảm BĐG và quyền phụ nữ tại Việt Nam đã có nhiều kết quả tích cực, phù hợp với Công ước CEDAW và các khuyến nghị của Ủy ban CEDAW. Bà cũng cho ý kiến đối với báo cáo đánh giá và kiến nghị, đề xuất các biện pháp bảo đảm quyền của phụ nữ trong tiếp cận với các dịch vụ công của ngành Tư pháp.
Hội thảo đã nhận được nhiều chia sẻ và ý kiến đóng góp của các đại biểu đến từ các địa phương như Nam Định, Hà Nam về thực trạng BĐG và bảo đảm quyền của phụ nữ trong tiếp cận các dịch vụ công của ngành Tư pháp tại địa phương.
Cũng trong chiều nay, Hội thảo tiếp tục thảo luận một số nội dung về tình hình thực hiện các biện pháp bảo đảm quyền của phụ nữ trong tiếp cận trợ giúp tại các Trung tâm Trợ giúp pháp lý tại Hà Nội; giải pháp bảo đảm quyền của phụ nữ trong tiếp cận với các biện pháp hỗ trợ pháp luật để bảo vệ quyền của họ…
Hoàng Vy Anh