Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 13 về Phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự (CPCJ), Đô-ha, Ca-ta

17/04/2015
Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 13 về Phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự (CPCJ), Đô-ha, Ca-ta
Theo chương trình công tác, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã dẫn đầu Đoàn công tác gồm đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn và Văn phòng Chính phủ tham dự Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 13 về Phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự (CPCJ) được tổ chức tại Đô-ha, Nhà nước Ca-ta từ ngày 12/4/2015 đến ngày 19/4/2015.

Chủ đề chính của Hội nghị này là lồng ghép các vấn đề phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự vào chương trình nghị sự của Liên hợp quốc để giải quyết các thách thức kinh tế, xã hội và thúc đẩy pháp quyền ở tầm quốc gia cũng như quốc tế, thúc đẩy sự tham gia của công chúng. Ngoài các phiên họp cấp cao dành cho đại diện của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, Hội nghị còn có các hội thảo tập trung vào 4 nội dung: (i) Vai trò của các tiêu chuẩn và quy định của Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự trong việc thúc đẩy các hệ thống tư pháp hình sự hiệu quả, công bằng, nhân văn, có trách nhiệm; (ii) Phòng chống buôn bán người; (iii) Tăng cường phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự để điều chỉnh các hình thức tội phạm mới; và (iv) Sự tham gia của công chúng trong phòng chống tội phạm và nâng cao nhận thức về tư pháp hình sự. Ngoài ra, nhiều các sự kiện bên lề Hội nghị cũng được tổ chức, trong đó có các sự kiện về lĩnh vực trợ giúp pháp lý.

Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 13 về Phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự là một sự kiện quan trọng của Liên hợp quốc. Bên cạnh kỷ niệm 60 năm tổ chức Hội nghị lần đầu tiên (vào năm 1955), Hội nghị lần thứ 13 này được tổ chức nhằm góp phần chuẩn bị cho việc thông qua Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc sau năm 2015 vào cuối năm nay. Gần 5.000 đại biểu đã tham gia Hội nghị này, trong đó có Tổng thư ký Liên hiệp quốc, Quốc vương Nhà nước Ca-ta, các Bộ trưởng tư pháp, Chánh án Tòa án tối cao, Tổng công tố các nước…

Tại phiên họp cấp cao vào ngày 12/4/2015, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Đô-ha với các khuyến nghị cụ thể nhằm đạt được mục tiêu của Hội nghị. Nội dung chính của Tuyên bố Đô-ha khẳng định vấn đề phát triển bền vững và pháp quyền là hai vấn đề gắn chặt nhau và có tác động tương hỗ lẫn nhau; vấn đề phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự cần phải được đưa vào vào hệ thống của Liên hợp quốc. Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống tư pháp hình sự hiệu quả, công bằng, nhân văn, có trách nhiệm cũng như vai trò của hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm; quyền con người, nhất là quyền của trẻ em và phụ nữ, phải được tôn trọng và bảo vệ. Các nội dung này là phù hợp với định hướng cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam.

Trong phiên họp cấp cao ngày 13/4/2015, Trưởng đoàn Việt Nam - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc - đã có bài phát biểu quan trọng, giới thiệu các nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống tội phạm và thúc đẩy tư pháp hình sự, cải cách pháp luật và cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền. Trưởng đoàn Việt Nam hoan nghênh việc thông qua Tuyên bố Đô-ha và thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các đối tác trong quá trình triển khai Tuyên bố này cũng như tăng cường hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, chia sẽ kinh nghiệm tốt liên quan trong lĩnh vực pháp luật hình sự. Bài phát biểu đã nhận được sự đồng tình cao của các nước tham gia Hội nghị.

Trong thời gian tham gia Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cũng đã có các trao đổi riêng với nhiều Trưởng đoàn của một số nước tham gia Hội nghị, trong đó có Bộ trưởng Tư pháp các nước Trung quốc, Thái lan, Slovakia  và đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Đô-ha, Ca-ta.

Toàn văn bài phát biểu của Thứ trưởng: http://webtv.un.org/watch/nguyen-khanh-ngoc-viet-nam-13th-crime-congress-doha-2015-high-level-segment-5th-plenary-meeting/4170754088001#full-text