Được sự phối hợp của Dự án Jica, Bộ Tư pháp vừa tổ chức tọa đàm góp ý cho dự thảo Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng (CC).
Nhiều nghĩa vụ, chưa thấy quyền!
Theo Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến, công chứng viên (CCV) thay mặt nhà nước chứng nhận tính xác thực và tính hợp pháp của các hợp đồng và giao dịch bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải CC hoặc tổ chức, cá nhân tự nguyện yêu cầu CC. Để hoàn thành nhiệm vụ cao cả này, CCV vừa phải mẫu mực trong hành vi, lối sống, tôn trọng, chấp hành pháp luật vừa có bổn phận tự giác chấp hành các quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động. Bởi vậy, dự thảo rất chú trọng đưa ra những chuẩn mực đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của CCV trong mối quan hệ với đồng nghiệp, tổ chức hành nghề CC, với người yêu cầu CC và các cơ quan nhà nước có liên quan. Chẳng hạn, trong quan hệ với người yêu cầu CC, CCV không được sách nhiễu, gây khó khăn; không được nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào ngoài phí CC, thù lao CC và các chi phí khác đã được xác định, thỏa thuận… Hay trong quan hệ với tổ chức hành nghề và đồng nghiệp, CCV không được gây áp lực, đe dọa hoặc sử dụng các thủ đoạn xấu khác để giành lợi thế của mình; không được môi giới hoặc đòi tiền hoa hồng khi giới thiệu cho đồng nghiệp vụ việc của khách hàng mà mình không đảm nhận…
Tán thành những quy định của dự thảo, nhiều CCV còn bổ sung một số chuẩn mực khác mà họ cho là cần thiết. CCV Vương Hữu Khôi (Văn phòng CC Hùng Vương, Bắc Ninh) nhấn mạnh, “đạo đức” ở đây phải bao gồm cả lối sống chính trị của CCV và gia đình của CCV vì nếu người thân của CCV có hành vi vi phạm pháp luật thì chắc chắn uy tín của CCV sẽ bị ảnh hưởng. Trưởng Phòng CC số 1 tỉnh Hải Dương Phạm Văn Vĩnh cho rằng, CCV phải có nghĩa vụ trung thành với lý tưởng của Đảng, tận tâm phục vụ Tổ quốc, nhân dân. “Quy định này không hề giáo điều khi mỗi hoạt động của CCV trong hành nghề đều là đại diện cho quyền lực nhà nước”, ông Vĩnh khẳng định.
Tuy nhiên, một số CCV kiến nghị, để các quy định được thực hiện triệt để thì cần cân đối giữa quyền và nghĩa vụ khi dự thảo hiện mới thiên đề cập tới nghĩa vụ của CCV. Ông Khôi cho biết, điều khoản cuối cùng của dự thảo cũng mới chỉ nói tới kỷ luật CCV chứ chưa “đả động” CCV sẽ được khen thưởng ra sao. CCV Đào Nguyên Khải (Văn phòng CC Đào và đồng nghiệp) thì mong muốn có thêm quy định về quyền từ chối CC trong trường hợp người yêu cầu CC có hành vi xúc phạm danh dự của CCV. Còn CCV Đặng Mạnh Tiến (Phòng CC số 4, Hà Nội) băn khoăn, khi đã ban hành sẽ có cơ chế kiểm soát như thế nào để bộ quy tắc thật sự là thước đo phẩm chất đạo đức của mỗi CCV.
Giải quyết khiếu nại bằng văn bản nào?
Theo dự thảo, “Trưởng Phòng CC, Trưởng Văn phòng CC có trách nhiệm giải quyết khiếu nại việc từ chối yêu cầu CC của người yêu cầu CC lần đầu”. Đồng thời, quy định “Trưởng Phòng CC, Trưởng Văn phòng CC, tổ chức hành nghề CC có thái độ ôn hòa, nhã nhặn khi tiếp nhận yêu cầu khiếu nại của khách hàng, khẩn trương giải quyết theo quy định các khiếu nại đó và thông báo bằng văn bản cho khách hàng biết kết quả giải quyết khiếu nại, không được tính phí giải quyết khiếu nại với khách hàng”.
Ông Khôi đánh giá, dự thảo đã tuân thủ đúng quy trình giải quyết của Luật Khiếu nại tố cáo nhưng vấn đề ở chỗ, hình thức của văn bản giải quyết sẽ ra sao, liệu có thể là Quyết định được không? Đồng tình với ông Khôi, Trưởng Phòng CC số 1 TP. HCM Nguyễn Quang Thắng đề xuất, cần làm rõ cách giải quyết khiếu nại tố cáo trong Bộ quy tắc đạo đức. “Theo quy định mới, chỉ lãnh đạo Phòng CC mới là công chức, nếu lãnh đạo Văn phòng CC ra văn bản giải quyết khiếu nại nghe không ổn và rất dễ không được người dân chấp nhận”, ông Thắng phân tích.
Cẩm Vân