Quy định chặt đăng ký lại việc sinh
Luật hộ tịch được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Luật giao Chính phủ quy định chi tiết 9 điều tập trung vào các nhóm vấn đề như về đăng ký khai sinh; kết hôn và ghi chú kết hôn, ly hôn.
Một trong những vấn đề cần tập trung hướng dẫn theo ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục hộ tịch, Quốc tịch và chứng thực là đăng ký lại việc sinh. Theo ông Khanh, dự thảo Nghị định phải hướng dẫn làm sao chặt chẽ để tránh tình trạng bị lợi dụng.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Lê Việt Hương đồng tình “Có nhiều người yêu cầu đăng ký lại mà không có căn cứ nào xác đáng, thậm chí chỉ xuất trình mỗi cái bản sao giấy khai sinh. Nếu UB cấp xã mà căn cứ vào đó cho phép đăng ký lại thì rất nguy hiểm. Trong trường hợp chỉ là kéo dài tuổi làm việc thì còn đỡ chứ những trường hợp khác gây hậu quả nghiêm trọng cho nên dự thảo Nghị định phải tính đến để ngăn chặn.” Ông Hương đề xuất.
Đại diện Bộ Công an thì đề nghị phải quy định chặt việc đăng ký lại. “Sắp tới các thông tin về hộ tịch sẽ được đưa vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để chuyển về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để dùng chung cho tất cả các bộ, ngành. Do đó, nếu thông tin trong giấy khai sinh lại mà không trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì sẽ rất khó khăn cho chính người dân khi tham gia giao dịch”.
Ở góc độ là người làm thực tiễn, bà Nguyễn Thị Hằng – Trưởng phòng hộ tịch có yếu tố nước ngoài, Sở Tư pháp Hà Nội cho rằng nhiều thủ tục đăng ký hộ tịch đang gây khó cho dân, do đó khi thi hành Luật mới và có nghị định hướng dẫn, nên loại bớt những thủ tục mang tính hình thức.
Nghiên cứu đề xuất xử lý hình sự
Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch không quy định các hành vi bị nghiêm cấm song cũng nêu rõ “Người yêu cầu đăng ký hộ tịch mà gian dối trong việc đăng ký hộ tịch, thì tuỳ mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phải đi đăng ký hộ tịch mà không thực hiện đúng các quy định của Nghị định này, thì bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”. Tuy nhiên, thực tế nhiều ý kiến cho rằng sai phạm trong lĩnh vực hộ tịch, trong đó có đăng ký khai sinh lại diễn ra khá nhiều nhưng việc xử lý thì chưa nghiêm.
Do đó, từ thực tế việc đăng ký lại nêu trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Trưởng Ban soạn thảo Nghị định nhấn mạnh: hành vi nào gây bức xúc, hậu quả nghiêm trọng cần xem xét đề xuất đưa vào Bộ luật hình sự (đang được sửa đổi). Nếu không sai phạm sẽ tràn lan mà không có ai chịu trách nhiệm, không đảm bảo tính răn đe.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng lưu ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch cần đặt người dân làm trung tâm, tiếp tục đề cao mục tiêu cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, tổ biên tập cần giải trình rõ những vấn đề vướng mắc từ thực tiễn để đề xuất biện pháp thi hành mang tính khả thi. Đồng thời, dự thảo không được đặt ra các thủ tục, quy định mang tính “rào cản” hình thức, làm khó cho dân và cũng khó cho cả cơ quan quản lý.
Thu Hằng