Những sửa đổi, bổ sung trong dự thảo BLHS này góp phần bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, thể hiện tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp 2013, thể hiện tinh thần đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nội luật hóa các qui định có liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, góp phần hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng, thể hiện chính sách xử lý đối với những người có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, khắc phục hậu quả của hành vi phạm tội…
Dự thảo BLHS (sửa đổi) có khá nhiều nội dung đổi mới quan trọng và hết sức phức tạp, có sự thay đổi chính sách hình sự đối với một số loại tội phạm cũng như một số đối tượng. Trong đó, thời điểm hiện nay, Chính phủ nhận thấy việc qui định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là phù hợp nên dự thảo Bộ luật bổ sung những qui định đối với pháp nhân là các tổ chức kinh tế phạm tội với 15 tội danh thuộc nhóm tội phậm về kinh tế, môi trường, tham nhũng và tội rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Dự thảo bộ luật dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với 7/22 tội danh vẫn còn qui định hình phạt tử hình trong BLHS; bổ sung cơ chế chuyển đổi hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành hai hình phạt này để góp phần bảo đảm tính khả thi, tăng tính răn đe, phòng ngừa của hai hình phạt này.
Dự thảo cũng đề cập đến vấn đề loại trừ trách nhiệm hình sự trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên, trách nhiệm hình sự đối với hành vi che dấu tội phạm của người thân trong gia đình, hành vi không tố giác tội phạm của người thân trong gia đình, người bào chữa; áp dụng hình phạt trục xuất; chính sách hình sự đối với người chưa thành niên; sửa đổi cơ bản chế độ án tích và xóa án tích.
Chính phủ cũng đồng tình loại bỏ hoàn toàn trong dự thảo Bộ luật qui định về chuẩn bị phạm tội trong BLHS vì việc xử lý hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội là quá sớm và thực tế cũng rất ít trường hợp xử lý hành vi chuẩn bị phạm tội. Tuy nhiên đây là vấn đề lớn làm thay đổi chính sách xử lý hình sự nên dự thảo vẫn thể hiện cả phương án “giữ nguyên như qui định hiện hành” (người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện).
Chính phủ thấy rằng, qui định tội phạm và hình phạt trong một số đạo luật chuyên ngành có ưu điểm nhưng chưa có tiền lệ ở nước ta nên cần thận trọng. Vì vậy, dự thảo BLHS (sửa đổi) cho phép trong trường hợp thật cần thiết, các đạo luật ban hành sau BLHS này có thể qui định tội phạm và hình phạt với những điều kiện chặt chẽ, xác định rõ nguyên tắc áp dụng các qui định này trong mối quan hệ với BLHS.
Vì BLHS (sửa đổi) là bộ luật đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật nên Chính phủ đề xuất UBTVQH chủ trì tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án BLHS (sửa đổi) từ tháng 7-9/2015 và đề nghị điều chỉnh lộ trình xem xét, thông qua dự án BLHS (sửa đổi) qua 3 kỳ họp 9-11 (so với 2 kỳ như Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015)./.
H.Giang