Chuẩn bị đàm phán, sửa đổi Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHXHCN Tiệp Khắc ký ngày 12 tháng 10 năm 1982, đã được Cộng hoà Séc và Cộng hoà Xlôvakia kế thừa

27/03/2010

Từ ngày 29 tháng 3 đến ngày 03 tháng 4 năm 2010, Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam do đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn sẽ sang Praha, thủ đô nước Cộng hòa Séc để thảo luận với đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Tổng công tố và một số cơ quan hữu quan khác của Séc về việc sửa đổi Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHXHCN Tiệp Khắc (đã được Cộng hòa Séc và Cộng hòa Xlôvakia kế thừa). Các thành viên Đoàn gồm có đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp.

Hai bên sẽ rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực thi Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký từ năm 1982, trên cơ sở đó đưa ra các kiến nghị cần  thiết cho việc sửa đổi, bổ sung Hiệp định và hoàn thiện, tăng cường năng lực các thiết chế, bộ máy thực thi Hiệp định. Việc sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện Hiệp định  nhằm mục đích hài hoà hoá các quy định của Hiệp định với pháp luật của hai nước, tạo thuận lợi hơn nữa cho việc thực hiện Hiệp định, đẩy mạnh tiến độ và hiệu quả công tác tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Séc. Việc sửa đổi, bổ sung này là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh, tình hình thực hiện các uỷ thác tư pháp giữa hai nước thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân một số quy định của Hiệp định không còn phù hợp với Luật Tương trợ tư pháp mới ban hành, dẫn đến tình trạng còn tồn đọng khá nhiều hồ sơ uỷ thác tư pháp, đặc biệt là các uỷ thác tư pháp về hình sự.

Ngoài ra, Đoàn Việt Nam cũng sẽ cùng các đồng nghiệp Séc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về pháp luật tương trợ tư pháp của hai bên, trao đổi kinh nghiệm gia nhập các điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp cũng như tình hình thực thi các điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp mà Séc đã ký với các nước khác. Một nội dung không kém phần quan trọng mà hai bên cùng quan tâm thảo luận là kinh nghiệm phối hợp thực hiện giữa các cơ quan có liên quan, việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đẩy nhanh quá trình thực hiện tương trợ tư pháp. Hy vọng rằng thông tin và kinh nghiệm thu được từ chuyến công tác này sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện thêm một bước công tác tương trợ tư pháp, đặc biệt là việc mở rộng hợp tác thông qua các thiết chế, điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp.

Cũng trong thời gian này, Đoàn công tác sẽ làm việc với Đại sứ quán Việt Nam và gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Séc để tìm hiểu đời sống của cộng đồng người Việt Nam tại nước này, tìm hiểu những khó khăn, thuận lợi và nhu cầu của cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm việc tại Séc; đồng thời thảo luận với cộng đồng người Việt, các cơ quan hữu quan của Séc về các biện pháp nhằm bảo hộ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người Việt ở Séc.

Hoàng Thu Hà - Phòng Tương trợ tư pháp,  Vụ Hợp tác quốc tế