Bồi thường của Nhà nước trong tố tụng hình sự: Cơ bản đáp ứng yêu cầu nhưng còn vướng về luật

20/03/2015
Sáng 19/3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã trình bày báo cáo của Bộ Tư pháp về tình hình thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TN BTNN) cho người bị oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự (TTHS) tại cuộc họp của Đoàn giám sát “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, TTHS và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động TTHS theo qui định của pháp luật”.
 

Theo đó, trong 3 năm (1/1/2011 đến 30/9/2014), với nỗ lực của các Bộ, ngành đã quan tâm triển khai Luật TN BTNN, công tác BTNN trong hoạt động TTHS đã có những chuyển biến tích cực, tiến hành theo trình tự và thời hạn cụ thể nhất định, nên bước đầu kết quả giải quyết bồi thường đã cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao và các Bộ, ngành liên quan đã tiếp nhận 107 đơn yêu cầu bồi thường, thụ lý 98 vụ, trong đó đã giải quyết xong 71 vụ việc (72,44% số vụ việc đã thụ lý) với tổng số tiền phải bổi thường là 9.228.199.000 đồng, còn 27 vụ việc đang giải quyết. VKSND các cấp có số vụ việc bồi thường cao nhất. Bộ Tài chính đã thẩm định và cấp phát số tiền là 8.331.797.297 đồng để chi trả cho các trường hợp được bồi thường trong hoạt động TTHS.

Trên thực tế, hầu hết các vụ việc phát sinh TN BTNN trong hoạt động TTHS đều do lỗi vô ý của người thi hành công vụ nên đến nay chỉ có 01 trường hợp trong TAND các cấp phải xem xét trách nhiệm hoàn trả với số tiền hoàn trả là 169.177.000 đồng.

Trung tâm hỗ trợ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thuộc Cục BTNN đã hướng dẫn, hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường trong hoạt động TTHS cho 29 vụ việc trên tổng số 103 vụ việc (chiếm 28%) các yêu cầu hỗ trợ thực hiện quyền bồi thường của tổ chức và công dân trong các hoạt động gửi đến Trung tâm và số vụ việc yêu cầu hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục trong TTHS ngày càng tăng các qua các năm.

Mặc dù vậy, Bộ Tư pháp và Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cùng cho rằng, việc thụ lý, bồi thường đối với một số vụ việc chưa kịp thời do khó khăn trong thực hiện các thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường. Vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giải quyết bồi thường giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, làm việc giải quyết bị kéo dài vượt quá thời hạn theo qui định của Luật, gây bức xúc cho người bị thiệt hại.

Tỷ lệ vụ việc chưa được giải quyết, phải chuyển sang kỳ sau qua từng năm vẫn còn cao. Người bị thiệt hại thường không đồng tình với quyết  định giải quyết bồi thường do khó đạt được đồng thuận với cơ quan có trách nhiệm bồi thường vì không tin tưởng khi cơ quan bồi thường là cơ quan đã gây ra oan, sai và có 19 vụ việc bị khởi kiện ra Tòa án.

Trong nhiều trường hợp, người  bị thiệt hại gặp khó khăn trong việc yêu cầu bồi thường do  không xác  định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường như vụ ông  Phan Văn Lá (Long An), ông Nguyễn Khắc Công (Nam Định)… và khó khăn trong việc tìm tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại như các biên lai khám chữa bệnh, hóa đơn mua thuốc, vé tàu xe đi lại…

Bên cạnh đó là những tồn tại, hạn chế xuất phát từ các qui định pháp luật, thủ tục chi trả tiền bồi thường; cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội trong việc xử lý, giải quyết đối  với một số vụ việc phức tạp, nhạy cảm, chưa có đầu mối cụ thể quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong TTHS…

Trên cơ sở đó, các kiến nghị của Bộ Tư pháp liên quan đến việc thực hiện TN BTNN cũng được đoàn giám sát đồng tình. Trong đó, chú trọng hướng dẫn quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong TTHS; tổng kết việc thi hành Luật TN BTNN, sửa đổi Luật TN BTNN nói chung và các qui định liên quan đến trách nhiệm bồi thường dân sự nói riêng tập trung vào giải quyết các hạn chế. Trong đó tập trung vào một đầu mối tiếp nhận và thay mặt nhà nước giải quyết bồi thường, mở rộng phạm vi TN BTNN trong hoạt động TTHS.

Qui định lại trình tự và thời hạn giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại, bảo đảm việc giải quyết bồi thường được hiệu quả và kịp thời. Đồng thời cần qui định thủ tục rút gọn để giải quyết bồi thường cho các trường  hợp cần giải quyết nhanh, qui định cơ quan nhà nước chủ động tổ chức xin lỗi công khai để kịp thời phục hồi danh dự cho người bị oan sai.

Mở rộng hơn về các thiệt hại được bồi thường trong hoạt động TTHS. Qui định thống nhất về trách nhiệm hoàn trả giữa những người thi hành công vụ trong các lĩnh vực và các hình thức kỷ luật phù hợp đối với công chức có hành vi trái pháp luật làm phát sinh TN BTNN. Điều chỉnh mức hoàn trả của người thi hành công vụ tương xứng với kinh phí Nhà nước chi trả cho người bị thiệt hại do lỗi của người thi hành công vụ gây ra.

Nghiên cứu đưa hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động giải quyết bồi thường được qui định cụ thể trong Luật TN BTNN để nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ và hiệu quả của hoạt động giải quyết bồi thường./.

H.Giang