Hợp tác pháp luật và tư pháp Việt Nam - CHLB Đức: Tiếp tục thúc đẩy phát triển ngành Tư pháp

26/03/2010
Sáng nay (26/3), tại Hà Nội, Bộ Tư pháp và Viện KAS (Đức) tổ chức Hội nghị điều phối lần thứ 2 thực hiện Chương trình ba năm trong lĩnh vực pháp luật (PL) và tư pháp giữa Việt Nam và Đức. Ông Nguyễn Khánh Ngọc – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tư pháp) và ông Amos R.Helms (Trưởng đại diện Viện KAS tại Hà Nội) chủ trì Hội nghị.

Chương trình hợp tác ba năm (2009-2011) nhằm cụ thể hóa các hoạt động cần thực hiện theo Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực PL và tư pháp giữa Chính phủ hai nước (ký ngày 29/2/2008), đặc biệt nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác trong hoạt động xây dựng PL, quản lý hành chính tư pháp, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực PL và tư pháp.

Giới thiệu những hoạt động của Chương trình ba năm, ông Amos R.Helms cho biết, các tổ chức của CHLB Đức (Viện KAS, Viện FES, tổ chức Hỗ trợ phát triển Đức DED, Inwent) và các đối tác của Việt Nam (Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia, Viện NN&PL, Đại học Khoa học xã hội & nhân văn) đã và sẽ thực hiện các hoạt động thúc đẩy phát triển ngành Tư pháp và hệ thống các thiết chế bảo vệ PL nhằm phục vụ việc thực thi một cách đầy đủ luật pháp, kể cả việc nghiên cứu thành lập Tòa án Hiến pháp.

Những hoạt động cụ thể liên quan đến PL lao động, công đoàn, xã hội, hình sự, tố tụng hình sự, các khả năng bảo vệ phụ nữ, tăng cường khả năng lập pháp của Quốc hội, các khả năng phát triển công tác kiểm tra của ngành lập pháp đối với các qui định về PL, hiện đại hóa qui trình và kỹ thuật lập pháp, vai trò các tổ chức xã hội, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và giáo dục ý thức PL, hoàn thiện cơ sở PL cho hoạt động tư vấn PL...

Một trong những hoạt động quan trọng của Chương trình ba năm là xây dựng Trung tâm PL Đức (hai đối tác là Bộ Tư pháp Việt Nam và Viện FES (Đức) đặt tại trường Đại học Luật Hà Nội. Hiện các công việc chuẩn bị thành lập Trung tâm đang được tiến hành tích cực. Theo ông Nguyễn Văn Quang (Trường Đại học Luật Hà Nội), dù Trung tâm chưa được thành lập nhưng Trường và Viện FES đã xúc tiến nhiều hoạt động hợp tác cụ thể - được xem như những hình mẫu cho việc triển khai các hoạt động của Trung tâm sau này.

Xuất phát từ những yêu cầu quản lý trong lĩnh vực hành chính tư pháp, ông Nguyễn Văn Toàn (Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp - Bộ Tư pháp) đề xuất Chương trình 3 năm hỗ trợ xây dựng dự án Luật Hộ tịch, xây dựng cơ sở Dữ liệu điện tử về quốc tịch, dự án tin học hóa lý lịch tư pháp từ năm thứ hai thực hiện Chương trình. Ngoài ra, nhằm thực hiện mục tiêu tạo bước đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện PL về đăng ký giao dịch bảo đảm (ĐLGDBĐ) và đăng ký bất động sản, ông Hồ Quang Huy (Cục ĐKQGGDBĐ - Bộ Tư pháp) đề nghị Chương trình hỗ trợ sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự 2005 phần về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và ĐKGDBĐ, hỗ trợ nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện PL về đăng ký bất động sản và PL về ĐKGDBĐ.

Đại diện các đối tác khác như VKSNDTC, TANDTC, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Bộ VHTT&DL... cũng đã đề xuất nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực PL trong khuôn khổ năm thứ hai thực hiện Chương trình ba năm này.

Các bên cũng đã cùng trao đổi về những khó khăn, thuận lợi của quá trình thực hiện các hoạt động trong Chương trình ba năm như vấn đề kinh phí, phối hợp, tài liệu... Trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm cho việc tổ chức các hoạt động hợp tác trong năm 2010./.

H.Giang