Chỉ dự kiến 15 tội mà pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự
Theo Dự thảo Tờ trình về Dự án BLHS sửa đổi, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt trong một số lĩnh vực có xu hướng gia tăng về quy mô và tính chất nguy hiểm. Trong bối cảnh đó, BLHS hiện hành đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, thể hiện ở chỗ BLHS mới chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân mà chưa quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, còn thực tiễn cho thấy nhiều tổ chức, doanh nghiệp (pháp nhân) vì chạy theo lợi nhuận đã bất chấp sự an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng như hành vi hủy hoại môi trường, hành vi đầu cơ, trốn thuế, kinh doanh trái phép, buôn lậu hoặc vi phạm các quy định về hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo vệ môi trường, bảo hộ lao động. Chủ thể này cần bị xử lý hình sự để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Ngoài ra, việc BLHS hiện hành quy định tội phạm và hình phạt chỉ được quy định trong BLHS cũng đã tạo ra những bất cập trong thực tiễn. Điều này đòi hỏi BLHS hiện hành phải được tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Dự thảo BLHS sửa đổi dự kiến bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân và thiết kế thành một chương riêng với 14 điều quy định về nguyên tắc xử lý hình sự pháp nhân; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân; các hình phạt và biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân; về vấn đề quyết định hình phạt, miễn, giảm hình phạt, xóa án tích đối với pháp nhân. Đáng chú ý, lần sửa đổi này mới chỉ quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân kinh tế đối với 15 tội là các tội buôn lậu; trốn thuế; cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; thao túng giá chứng khoán; trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; gây ô nhiễm môi trường; vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại; đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; hủy hoại nguồn lợi thủy sản; hủy hoại rừng; tài trợ khủng bố; rửa tiền; nhận hối lộ; đưa hối lộ.
Đừng hiểu máy móc về Hiến pháp
Trước yêu cầu báo cáo thêm của Bộ trưởng về đề xuất quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, nhiều tổ chức, doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm pháp luật vì lợi ích lớn, trong khi nếu xử lý hành chính thì một số lĩnh vực phạt đến 2 tỷ đối với tổ chức như đất đai, xây dựng, có ý kiến đề nghị phạt cao nữa để răn đe hành vi vi phạm của tổ chức nhưng lại tạo gánh nặng cho người dân. Do vậy, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là cần thiết và cũng là để thực hiện cam kết của nước ta khi tham gia một số Công ước quốc tế, nhất là Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc.
Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn đồng tình cho rằng, qua thực tiễn và đáp ứng yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật mà nếu không có quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ rất bất cập trong xử lý. “Nhiều trường hợp, chế tài hành chính đối với pháp nhân là không đủ mạnh, làm đau đầu các cơ quan chức năng, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ giải quyết ách tắc hiện hành” – ông Sơn nói.
Tuy nhiên, một chuyên gia nêu vấn đề, Hiến pháp năm 2013 quy định mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý thì người ta hiểu là chỉ xử lý cá nhân thôi. Hơn nữa, các Bộ luật tố tụng đang được sửa đổi cũng không có Dự thảo nào đề cập đến trách nhiệm pháp nhân. Phản biện ý kiến cho rằng quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là vi hiến, đại diện Cục Bồi thường nhà nước lật ngược vấn đề: “Như vậy, pháp nhân nộp thuế cũng là vi hiến vì Hiến pháp chỉ quy định mọi người có nghĩa vụ nộp thuế. Việc hiểu mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý chỉ dành cho cá nhân là máy móc, trong khi có những hành vi mà cá nhân không thể thực hiện được như xuất nhập khẩu”.
Thục Quyên