Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, Bộ luật Hình sự (BLHS) Việt Nam được ban hành năm 1999, qua 15 năm đã phát huy được vai trò của mình trong đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần vào ổn định và phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Nhu cầu cải cách, phát triển và hội nhập của Việt Nam đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi BLHS trở thành công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền con người, đấu tranh phòng chống tội phạm, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế. Thứ trưởng mong rằng, Ngài Tomas Borec và các thành viên trong Đoàn sẽ chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong quá trình xây dựng BLHS của Xlô-va-kia để Việt Nam nghiên cứu, tham khảo.
BLHS cần thay đổi phù hợp với các tuyên bố quốc tế về tự do và nhân quyền
Đề cập đến quá trình xây dựng BLHS của Xlô-va-kia, Bộ trưởng Tomas Borec chia sẻ, BLHS của Xlô-va-kia được xây dựng từ năm 1961 và được thực hiện đến năm 2005. Từ năm 1990, BLHS của Xlô-va-kia bắt đầu thay đổi một số vấn đề do việc chuyển đổi từ nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sang nền kinh tế thị trường. Trên cơ sở này, BLHS đã phải thay đổi khá nhiều, mà điều quan trọng nhất là trước pháp luật vai trò của các tổ chức kinh tế là bình đẳng. BLHS của Xlô-va-kia cũng được thay đổi cho phù hợp với tuyên bố quốc tế về tự do và nhân quyền, trong đó có việc bỏ án tử hình, thay bằng án tù chung thân. Theo thống kê, mặc dù có sự thay đổi hình phạt nêu trên, nhưng số lượng tội phạm không tăng. Điều đó cho thấy, vai trò ngăn ngừa, răn đe của tội tử hình không còn nhiều tác dụng và theo đó, BLHS cũng thay đổi một loạt tội danh, bỏ hoặc định nghĩa lại tội danh cho phù hợp.
Ngài Tomas Borec cũng cho biết, sau năm 2006, BLHS của Xlô-va-kia cũng đã qua nhiều lần sửa đổi, một trong những nguyên nhân chủ yếu là do sự biến động không ngừng từ thực tế cuộc sống và sự thay đổi của hệ thống pháp luật Liên minh Châu Âu, mà phía Xlô-va-kia đã cam kết khi gia nhập.
Không ai bị kết tội khi chưa bị Tòa án tuyên có tội
Ngài Tomas Borec cũng cho biết, có những nguyên tắc “bất dịch” dù BLHS có sự thay đổi, đó là không ai bị kết tội khi chưa bị Tòa án tuyên có tội. Nguyên tắc này có trong Tuyên ngôn về nhân quyền và cũng được đưa vào Hiến pháp của Xlô-va-kia.
Các chuyên gia trong Đoàn cũng chia sẻ thêm về cấu trúc, phân loại, cách xác định các tội danh, trình tự các điều khoản của BLHS Xlô-va-kia; cách thức tổ chức phiên tòa, vấn đề tranh tụng theo Bộ luật tố tụng hình sự và nhiều nội dung quan trọng khác.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến hình phạt, trách nhiệm hình sự của pháp nhân, mức độ nội luật hóa các điều ước quốc tế,...
Hoàng Vy Anh
Tin có liên quan:
Tăng cường hợp tác và củng cố mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Xlô-va-kia