Cuộc họp đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015.
Theo tổng hợp của Bộ Tư pháp, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Tư pháp đã nhận được Công văn của 22/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ. Tổng số các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được đề nghị đưa vào Chương trình năm 2016 là 21 dự án; điều chỉnh Chương trình khóa XIII là 04 dự án và điều chỉnh Chương trình năm 2015 là 09 dự án. Cuộc họp đã thống nhất các nguyên tắc lập Đề nghị về Chương trình năm 206; điều chỉnh Chương trình khóa XIII và năm 2015, cụ thể:
Thứ nhất, Chương trình năm 2016 phải tiếp tục thể chế hoá kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng được khẳng định trong các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết số 48 và Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị.
Thứ hai, Chương trình năm 2016 cần tiếp tục đặt trọng tâm vào việc thực hiện ba khâu đột phá chiến lược đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và tiếp tục ưu tiên đưa vào Chương trình năm 2016 và điều chỉnh Chương trình năm 2015 các dự án luật, pháp lệnh nhằm triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các dự án về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về tổ chức bộ máy nhà nước và các thiết chế trong hệ thống chính trị, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các dự án khác mà qua rà soát thấy cần phải sửa đổi, bổ sung ngay để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp.
Thứ ba, chỉ đưa vào Chương trình năm 2016 những dự án có thuyết minh rõ ràng về mục đích, sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nội dung cơ bản của dự án luật, pháp lệnh và mối quan hệ giữa các luật, pháp lệnh có liên quan; kiên quyết không đưa vào Chương trình những dự án chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ tư, việc đưa các dự án vào Chương trình năm 2016 phải tính đến đặc thù là năm 2016 sẽ có 03 Kỳ họp của Quốc hội (gồm 01 kỳ họp của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII và 02 Kỳ họp của Quốc hội Khóa XIV). Tại kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XIII và Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội sẽ dành không nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật mà chủ yếu tập trung đánh giá, tổng kết hoạt động của Quốc hội Khóa XIII và chuẩn bị tổ chức, nhân sự cho Quốc hội khóa XIV. Ngoài ra, Chương trình năm 2016 phải tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, mức độ chuẩn bị và tiến độ soạn thảo; tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan nhằm bảo đảm chất lượng và tiến độ soạn thảo, thẩm tra dự án.
Thứ năm, việc xây dựng Chương trình năm 2016 phải bảo đảm có sự chuyển tiếp giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và khóa XIV, giữa Chương trình năm 2016 và Chương trình năm 2017 trong khi chưa xây dựng Chương trình nhiệm kỳ Quốc hội.
Theo dự thảo Đề nghị mà Bộ Tư pháp chuẩn bị thì tổng số các dự án dự kiến đưa vào Chương trình năm 2016 là 28 dự án; điều chỉnh Chương trình khóa XIII là 02 dự án và điều chỉnh Chương trình năm 2015 là 08 dự án cụ thể:
- Tại Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIII, dự kiến Chính phủ đề nghị đưa 06 dự án vào Chương trình thông qua tại Kỳ họp này.
- Tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV, dự kiến Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến 03 dự án.
- Tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XIV, dự kiến Quốc hội thông qua 13 dự án và cho ý kiến 09 dự án.
- Về điều chỉnh Chương trình năm 2015, dự kiến Chính phủ đề nghị bổ sung 05 dự án vào Chương trình và điều chỉnh thời hạn trình 03 dự án (trong đó xin lùi thời hạn trình dự án Luật biểu tình và Luật về hội).
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu đã bày tỏ băn khoăn về sự cần thiết ban hành, mục đích ban hành của một số dự án luật, pháp lệnh do một số Bộ, ngành đề xuất. Chẳng hạn như dự án Pháp lệnh Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đề nghị bổ sung dự án Pháp lệnh này vào Chương trình khóa XIII và năm 2015 để quy định về thẩm quyền, đối tượng, nội dung, hình thức, thủ tục kiểm tra, giám sát thị trường, ngăn chặn vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý thị trường, đồng thời quy định về mô hình tổ chức và hoạt động của Quản lý thị trường. Có ý kiến đề nghị cân nhắc về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh này vì hiện nay, các vấn đề về thẩm quyền, đối tượng, nội dung, hình thức, thủ tục kiểm tra, giám sát thị trường và xử lý vi phạm pháp luật đã được quy định tại nhiều văn bản khác nhau như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra, Luật Thương mại ...; còn việc quy định mô hình tổ chức và hoạt động của Quản lý thị trường thuộc thẩm quyền của Chính phủ, do vậy, cần cân nhắc về sự cần thiết phải ban hành Pháp lệnh này.
Hay như với Luật Thương mại (sửa đổi), Bộ Công Thương đề nghị chưa sửa đổi Luật này trong năm 2016 mà sau khi Hiến pháp mới được thông qua, Bộ luật Dân sự đang được sửa đổi toàn diện (dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10), đặc biệt là từ năm 2005 đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì việc sớm sửa đổi Luật Thương mại là cần thiết. Do vậy, đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đưa dự án Luật này vào Chương trình năm 2016. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, sau khi Hiến pháp mới được thông qua, Bộ luật Dân sự đang được sửa đổi toàn diện (dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10), đặc biệt là từ năm 2005 đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định TPP thì việc sớm sửa đổi Luật thương mại là cần thiết. Do vậy, đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đưa dự án Luật này vào Chương trình năm 2016.
Về đề xuất xây dựng dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Bộ Công Thương, có ý kiến đề nghị cân nhắc về sự cần thiết ban hành Luật này vì hiện nay, các vấn đề về ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp nói chung đã được quy định tại nhiều luật hiện hành như Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi), các luật về thuế, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).... Trường hợp cần thiết, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 về trợ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Trên cơ sở ý kiến tại cuộc họp, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Đề nghị để trình Chính phủ thảo luận, cho ý kiến tại Phiên họp thường kỳ tháng 1/2015.
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật
Ảnh Cục Công nghệ thông tin