Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua với nhiều quy định mới nhằm phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được trang trọng đặt ở vị trí hàng đầu trong Hiến pháp (Chương II). Trong bối cảnh đó, cùng với yêu cầu nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã đặt ra câu hỏi lớn là làm thế nào để bảo đảm phát huy và thực thi một cách đầy đủ các quyền này trong cuộc sống.
“Nhận thức rõ điều này, Bộ Tư pháp sau một thời gian nỗ lực đã cố gắng cụ thể hóa cách thức bảo vệ và thực thi quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp, trong đó không thể không kể đến quyền của các nhóm yếu thế trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)” – Thứ trưởng Đinh Trung Tụng khẳng định. Thứ trưởng cũng mong rằng, sự tham gia đông đảo của các tổ chức xã hội, các hội, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học đã lắng nghe nguyện vọng từ đại diện các nhóm yếu thế sẽ có những góp ý, kiến nghị cụ thể, khả thi đối với quy định có liên quan trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), góp phần bảo đảm quyền con người về dân sự, đặc biệt là quyền của các nhóm yếu thế.
Bà Anne Aarnes, Quyền Giám đốc khu vực Châu Á của USAID cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi thấy Ban soạn thảo đã chào đón các ý kiến đóng góp của người dân, đặc biệt của các nhóm yếu thế trong quá trình soạn thảo, sửa đổi Bộ luật Dân sự. Tôi hiểu rằng một số vấn đề quan trọng đã được nhìn nhận bởi các bên, những vấn đề này có khả năng tăng cường trao quyền cho phụ nữ, lồng ghép bình đẳng giới, cải thiện khả năng tiếp cận pháp lý cho người dân và bảo vệ những quyền căn bản của mọi công dân”.
Bộ luật Dân sự năm 2005 là một trong những bộ luật quan trọng điều chỉnh các quan hệ dân sự của cá nhân, pháp nhân và tổ chức, và các quyền về tài sản và sở hữu. Bộ luật này đang được sửa đổi và hoàn chỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu và rộng của Việt Nam, cũng như đáp ứng sự thay đổi trong Hiến pháp năm 2013 liên quan đến thực thi quyền con người một cách tiến bộ nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.
Hội thảo trên hội tụ đông đủ các tổ chức xã hội, các chuyên gia về luật pháp, đại diện các viện nghiên cứu, các tổ chức đoàn thể, hiệp hội nghề nghiệp, các Bộ, ngành có liên quan để cùng trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến cho Dự thảo Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Kết quả của Hội thảo sẽ được gửi cho cơ quan soạn thảo để xem xét, nghiên cứu tiếp thu những ý kiến phù hợp và đưa vào Dự thảo. Hội thảo này sẽ góp phần cải thiện việc tiếp cận luật pháp của người dân, đặc biệt là của các nhóm yếu thế, và nâng cao tính minh bạch đối với thể chế chính sách của Việt Nam.
Hội thảo này cũng đã diễn ra các phiên thảo luận về quyền nhân thân, quyền về nơi cư trú của các nhóm yếu thế; về hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân, pháp nhân phi thương mại khi tham gia quan hệ dân sự; cũng như thảo luận về quyền sở hữu, các vật quyền khác, giao dịch có đối tượng là quyền sử dụng đất, nhà ở liên quan đến các nhóm yếu thế.
Cẩm Vân