BTV Diệu Trang: Đăng ký và quản lý hộ tịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước, luôn được các quốc gia quan tâm thực hiện. Thông qua hoạt động này, Nhà nước có cơ sở để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, có biện pháp quản lý dân cư một cách khoa học, phục vụ thiết thực cho việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ở nước ta, đăng ký hộ tịch có lịch sử từ thời nhà Trần. Nhưng đến thời điểm này, chúng ta mới có được một luật riêng về lĩnh vực này. Và mới đây, một tuần sau thời điểm Luật Hộ tịch được thông qua, Hội nghị cấp Bộ trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng đã đưa ra Tuyên bố về đăng ký và thống kê hộ tịch, trong đó nhấn mạnh 10 năm 2014 – 2024 là thập kỷ đăng ký và thống kê hộ tịch với nhiều cam kết cam kết mạnh mẽ của các quốc gia trong khu vực.
Nói như thế để thấy được tầm quan trọng không thể thay thế của hộ tịch. Và đâu là những thay đổi căn bản trong Luật Hộ tịch để giải quyết được nhiều bất cập đang xảy ra cho người dân hiện tại? Hôm nay, chúng ta cùng gặp lại Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. Cảm ơn ông đã nhận lời tham gia chương trình.
Biên tập viên Diệu Trang:
Xin được bắt đầu ngay với một câu hỏi rất thời sự: Thưa Bộ trưởng, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó có việc thông tin hộ tịch cá nhân chưa chính xác, thống nhất, có trường hợp lợi dụng đăng ký hộ tịch để trục lợi hoặc trốn tránh pháp luật. Vậy, Luật hộ tịch mới ra đời có những quy định gì khắc phục được tình trạng này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời:
1. Đúng như Nhà báo nêu, từ đầu năm 2006, khi Nghị định số 158/2015/NĐ-CP có hiệu lực cho đến nay, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, thậm chí là yếu kém. Trong đó, có tình trạng thông tin hộ tịch của cá nhân trong các giấy tờ không thống nhất; thực tế cho thấy có trường hợp một người có tới 2 thậm chí 3 giấy khai sinh; rồi việc tùy tiện cải chính năm sinh, việc khai tử không đúng quy định của pháp luật để trục lợi (ví dụ như: để đủ tiêu chuẩn quy hoạch, bổ nhiệm; không khai tử cho người đã chết để tiếp tục hưởng tiền trợ cấp, bảo hiểm xã hội, ngược lại có trường hợp khai tử cho người còn sống để hưởng chế độ tử tuất, để chia nhau ”di sản”...); hay để trốn tránh pháp luật (ví dụ như để tảo hôn...). Tất cả những điều này đều ảnh hưởng không tốt đến trật tự xã hội, công tác quản lý của Nhà nước và cả việc thực hiện chính quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
2. Việc Quốc hội vừa thông qua Luật Hộ tịch được xem là bước ngoặt quan trọng trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung. Thể hiện trên 2 khía cạnh:
Thứ nhất, đây là lần đầu tiên có văn bản ở tầm Luật để quy định về lĩnh vực này, trước đây chỉ là các Nghị định của Chính phủ (năm 1956, 1961, 1998, 2005) và các Thông tư, nên hiệu lực thi hành còn hạn chế, thực hiện chưa nghiêm; bên cạnh đó, vì được quy định trong nhiều văn bản, nên dẫn đến phức tạp, khó áp dụng. Nay có Luật của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất chắc hẳn sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế nêu trên.
Thứ hai, với việc Quốc hội thông qua Luật Hộ tịch với rất nhiều nội dung mới, mang tính đột phá thì có thể nói đây là một cuộc ”Cách mạng” trong lĩnh vực này. Tại sao?
Một là, Luật quy định việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác đăng ký, quản lý hộ tịch. Chẳng hạn tới đây khi đăng ký khai sinh thì ngoài việc được cấp Giấy khai sinh, người được đăng ký khai sinh đồng thời được cấp Số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân là số được cấp cho mỗi cá nhân, không lặp lại ở người khác; số này cũng chính là số Thẻ căn cước công dân được cấp khi đủ 14 tuổi. Như vậy, với việc cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh, tỷ lệ đăng ký khai sinh chắc hẳn sẽ cao, tình trạng một người có 2 hay 3 giấy khai sinh, tùy tiện cải chính ngày tháng năm sinh sẽ không còn cơ hội để tồn tại nữa.
Hai là, với việc Luật cho phép xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân (song song với cơ sở dữ liệu giấy), đồng thời kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các Bộ, ngành, địa phương có thể lấy thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, thì một mặt sẽ khắc phục được tình trạng không thống nhất về thông tin cá nhân trên hồ sơ, giấy tờ cũng như trong các cơ sở dữ liệu có liên quan và mặt khác là sự cải cách đáng kể thủ tục hành chính, đơn giản hóa giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư.
Ba là, Luật có nhiều quy định nhằm hạn chế sai sót, vi phạm có thể xảy ra trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch như: quy định mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại một cơ quan hộ tịch, bỏ thẩm quyền đăng ký hộ tịch của UBND cấp tỉnh để tập trung cho công tác quản lý Nhà nước, bổ sung quy định cấm can thiệt trái pháp luật vào hoạt động đăng ký hộ tịch, quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn công chức làm công tác hộ tịch; bổ sung những hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm trong đăng ký và quản lý hộ tịch, đặc biệt là nghiêm cấm người có thẩm quyền quyết định đăng ký hộ tịch thực hiện việc đăng ký hộ tịch cho bản thân hoặc người thân thích; quy định Giấy tờ hộ tịch được cấp cho trường hợp đăng ký hộ tịch vi phạm quy định của Luật không có giá trị và phải thu hồi, huỷ bỏ ...
Với những quy định mang tính cải cách và chặt chẽ nêu trên tôi tin là công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở nước ta sẽ bước sang một giai đoạn mới, đi vào chính quy, hiện đại; tình trạng không thống nhất, thiếu chính xác về thông tin hộ tịch của cá nhân hay tùy tiện lợi dụng đăng ký hộ tịch để trục lợi hoặc trốn tránh pháp luật sẽ không còn cơ hội để diễn ra.
Biên tập viên Diệu Trang:
Vâng, như Bộ trưởng nói thì đây quả thực là một cuộc ”Cách mạng”. Vậy khi nào cuộc ”Cách mạng” này được thực hiện?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời:
1. Luật hộ tịch có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016 và kể thời điểm đó, việc đăng ký khai sinh sẽ được thực hiện theo Luật mới và người dân sẽ được cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh.
2. Từ 01/01/2020, với việc Cơ sở dữ liệu hộ tịch và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng xong, Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân được thực thi đầy đủ thì người dân dưới 14 tuổi chỉ cần xuất trình Giấy khai sinh, từ 14 tuổi trở lên chỉ cần xuất trình Thẻ căn cước công dân hoặc chỉ cần khai báo Số định danh cá nhân là có thể thực hiện được các thủ tục hành chính cần thiết cho mình, không cần thiết phải sao y nhiều giấy tờ như hiện nay.
Biên tập viên Diệu Trang:
Còn trường hợp những giấy tờ hộ tịch của người dân đã được cấp trước ngày Luật có hiệu lực thưa Bộ trưởng, thì có còn giá trị sử dụng nữa không?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời:
Đây là vấn đề quan trọng, mang tính kế thừa và đã được Luật Hộ tịch quy định trong điều khoản chuyển tiếp. Theo đó, toàn bộ Sổ hộ tịch được lưu trữ trước ngày Luật này có hiệu lực, không phân biệt ở thời kỳ nào, vẫn giữ nguyên giá trị và là căn cứ pháp lý để chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân; được sử dụng để tra cứu, cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người dân có yêu cầu. Đồng thời, các giấy tờ hộ tịch đã cấp cho người dân theo quy định của pháp luật về hộ tịch trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị, không phải làm lại.
Biên tập viên Diệu Trang:
Thưa Bộ trưởng, dù Luật Hộ tịch đã được thông qua, nhưng tính cách mạng, hay nói cách khác là tính hiệu quả khi triển khai Luật sẽ phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch. Tôi xin chuyển tới Bộ trưởng một băn khoăn của rất nhiều người: “Bộ trưởng có thể cho biết, đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch, đặc biệt là ở phường, xã, có thể bảo đảm được yêu cầu công việc khi Luật có hiệu lực hay không?”
Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời:
1. Sự băn khăn của người dân là rất chính xác. Tầm quan trọng của công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, yêu cầu của công tác đăng ký hộ tịch là phải khách quan, trung thực, chính xác đòi hỏi ở công chức Tư pháp, nhất là công chức Tư pháp – hộ tịch ở cấp xã phải có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp và trách nhiệm, đạo đức công vụ cao. Có như vậy, việc tổ chức thi hành Luật mới thực sự hiệu quả.
Thực ra, việc chuẩn hóa đội ngũ công chức Tư pháp – hộ tịch cấp xã đã được quy định từ Nghị định số 83 năm 1998, sau đó là Nghị định số 158 năm 2005 của Chính phủ. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, những quy định này thời gian qua được thực hiện chưa nghiêm; có đến trên 30% công chức Tư pháp – hộ tịch chưa đáp ứng được tiêu chuẩn do Chính phủ quy định! Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế hiện nay trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch.
2. Việc luật hóa quy định về tiêu chuẩn công chức Tư pháp – hộ tịch, như phải có trình độ từ trung cấp luật trở lên, đầu vào phải được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch và thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, cộng với Luật bổ sung quy định phải có trình độ tin học phù hợp theo yêu cầu công việc là rất cần thiết, nhằm bảo đảm thực hiện tốt các quy định mới của Luật . Đồng thời, Luật quy định rất cụ thể trách nhiệm, chế tài xử lý đối với công chức Tư pháp – hộ tịch sai phạm, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã trong việc bố trí công chức Tư pháp – hộ tịch, cũng như để xảy ra sai phạm trên địa bàn do buông lỏng quản lý.
Theo quy định của Luật, tới đây, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để chỉ đạo việc srà soát, sắp xếp lại, bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch và kiện toàn đội ngũ công chức Tư pháp – hộ tịch, dự kiến từ nay đến năm 2016 phải chuẩn hóa và đến trước ngày 01/01/2020 phải hoàn thành việc đào tạo lại đối với toàn bộ đội ngũ này.
Cũng xin nói thêm, hiện nay Bộ Tư pháp đã có 5 trường Trung cấp luật (Tây Bắc, Thái Nguyên, Đồng Hới, Tây Nguyên, Vị Thanh) đủ khả năng để đào tạo, trang bị kiến thức cần thiết cho đội ngũ công chức Tư pháp - hộ tịch trên cả nước.
BTV Diệu Trang: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.