Chiều qua (16/3), Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã tiếp đoàn Nghị sỹ Nghị viện châu Âu về quan hệ với Đông Nam Á và ASEAN.
Trân trọng đánh giá của ông Werner Langen - Trưởng đoàn - về vị trí Bộ Tư pháp của các nước, Bộ trưởng cho biết, ngành Tư pháp Việt Nam còn non trẻ so với các quốc gia châu Âu, với quá trình phát triển nhiều thăng trầm, nhưng vẫn đóng vai trò nhất định trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Bộ trưởng đã giới thiệu với Đoàn Nghị sỹ châu Âu về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp và cho biết, Việt Nam đang trong quá trình cải cách sâu rộng về hoạt động tư pháp nên có nhiều vấn đề đang đặt ra. Hy vọng cùng với quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp đi vào chiều sâu thì vai trò của ngành Tư pháp sẽ mở rộng hơn.
Bộ trưởng đã trao đổi thẳng thắn với các thành viên trong Đoàn Nghị sỹ châu Âu về những vấn đề của Việt Nam mà các Nghị sỹ quan tâm như quyền con người, hoạt động báo chí, internet, phòng chống tham nhũng, bình đẳng giới trong lao động, quản lý tòa án địa phương, hệ thống pháp luật về thuế, kinh nghiệm và thực tiễn hợp tác về pháp luật trong cộng đồng ASEAN...
Đánh giá cao sự hợp tác của Liên minh châu Âu (EU), Nghị viện châu Âu đối với Việt Nam nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường bày tỏ mong muốn hợp tác giữa Liên minh châu Âu và Bộ Tư pháp Việt Nam ngày càng được tăng cường và hiệu quả hơn nữa, cũng như EU và Nghị viện châu Âu tiếp tục hỗ trợ, hợp tác trong những lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, giúp thắt chặt quan hệ hai bên và giúp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi rất quan trọng này./.
* Cùng ngày, tiếp xã giao ông Kovacs Tamas - Viện trưởng VKSTC Hungary, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường bày tỏ sự vui mừng hoan nghênh ông Tamas trở lại thăm đất nước mà ông đã gắn bó nhiều năm và dành thời gian thăm Bộ Tư pháp. Bộ trưởng khẳng định, ông Tamas là người có công lao với Việt Nam vì đã đóng góp nhiều cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam. Hai bên cũng khẳng định sẵn sàng tiếp tục hợp tác về lĩnh vực tư pháp trên cơ sở quan hệ có truyền thống lâu đời giữa hai nước. Đồng thời, nhất trí cần có sửa đổi, bổ sung đối với Hiệp định Tương trợ Tư pháp (mà hai bên ký kết năm 1985) để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển và quan hệ toàn diện trong thời đại mới./.
H.Giang