Phối hợp tốt để tăng hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường

27/11/2014
Phối hợp tốt để tăng hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường
Ngày 26/11, dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Mạnh Hùng, Bộ Tư pháp và Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 30/2010/BGDĐT-BTP (TTLT số 30) hướng dẫn việc phối hợp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong nhà trường.

Trước khi Luật PBGDPL được thông qua thì TTLT số 30/2010/BGDĐT-BTP  chính là cơ sở pháp lý khẳng định và tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa 2 ngành, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL trong nhà trường.

Nhiều hoạt động phối hợp thiết thực, không phô trương

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ngay từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, hai Bộ đã tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác phối hợp ở Trung ương và địa phương để đưa việc giảng dạy kiến thức pháp luật vào các nhà trường, ở hầu hết các cấp học, trình độ đào tạo. Sau hơn 25 năm thực hiện, công tác PBGDPL trong nhà trường đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của giáo dục pháp luật ngày càng sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn. Việc dạy và học pháp luật ở các cấp học được định hình rõ nét, đi vào nề nếp, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và rất thiết thực cho cả thầy lẫn trò cũng như những người làm công tác quản lý giáo dục.

Cơ chế phối hợp giữa ngành Tư pháp và ngành Giáo dục trong công tác PBGDPL ngày càng được coi trọng, được củng cố, tăng cường, nhất là việc ban hành và triển khai nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường” (do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 1928/QĐ-TTg) và TTLT số 30. Tại hầu hết các địa phương, nội dung phối hợp giữa 2 ngành đều có kế hoạch và hoạt động cụ thể, thiết thực, không phô trương, hình thức và được tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm.

Riêng đối với kết quả đạt được trong thực hiện TTLT 30, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, TTLT này được triển khai nghiêm túc từ Trung ương đến địa phương, bước đầu thu được kết quả đáng khích lệ, khẳng định tính đúng đắn của cơ chế phối hợp giữa 2 Bộ, ngành trên phương diện thể chế, chính sách, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Thông qua việc triển khai TTLT số 30, công tác PBGDPL trong nhà trường được chú trọng và tăng cường hơn với các nội dung, hình thức phù hợp cho từng nhóm đối tượng cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên, học sinh; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình phối hợp trên các mặt.

Nhiều tâm huyết với công tác PBGDPL trong nhà trường

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng thẳng thắn, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác PBGDPL nói chung và PBGDPL trong nhà trường nói riêng còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Từ góc độ phối hợp, mặc dù hai Bộ làm khá tốt Đề án 1928 và TTLT số 30 nhưng Thứ trưởng Hùng cho rằng, kết quả chưa thật đồng đều, có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ, chưa liên kết, nhất là trong tham mưu triển khai công tác PBGDPL thuộc phạm vi trách nhiệm của mỗi ngành và một số nội dung phối hợp chưa được quan tâm, chú trọng.

Xuất phát từ những hạn chế trên, nhiều đại biểu đã hiến kế, bàn giải pháp khắc phục và nêu lên một số mô hình, cách làm hay. Tại tỉnh Hòa Bình, đại diện Sở GD&ĐT cho biết, cả Công an tỉnh, Sở Tư pháp và Sở GD&ĐT cùng vào cuộc đối với công tác này, trong đó Công an tỉnh hỗ trợ nghiệp vụ, kinh phí, Sở Tư pháp hỗ trợ chuyên môn, Sở GD&ĐT trực tiếp tổ chức các hoạt động. Vị này tâm niệm: “Chúng tôi không quan trọng đã tổ chức bao nhiêu hội thảo hay cuộc thi mà coi trọng việc đánh giá tác động của công tác PBGDPL đến nhận thức của giáo viên, phụ huynh và học sinh bởi nếu làm tốt, mọi người nhận thức thì sẽ chấp hành nghiêm túc”.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Xuân Hùng đưa ra một số đề xuất như phải có chương trình giáo dục phù hợp, xác định nội dung pháp luật cần phổ biến chính, nội dung bổ sung đối với từng cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học đồng thời phải truyền tải kỹ năng tự học, tự trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật cho từng đối tượng học sinh, sinh viên. Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam kiến nghị hai Bộ nghiên cứu có cơ chế thi vấn đáp về pháp luật để học sinh, sinh viên nắm kiến thức pháp luật một cách cô đọng nhất.

Từ kinh nghiệm bản thân, Phó Hiệu trưởng Trường cán bộ Tòa án Trần Văn Hà phản ánh, chúng ta đang đưa quá nhiều lý luận trong PBGDPL tại nhà trường nên thiếu đi tính thực tiễn. Đơn cử, trong bài học về tổ chức bộ máy Nhà nước, theo ông Hà, lẽ ra cần tổ chức cho học sinh, sinh viên trực tiếp tham quan các mô hình tổ chức này thì kiến thức mới dễ vào, mới ngấm lâu. Là giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn, bà Lê Thị Châu nhấn mạnh, nhà giáo phải có chuyên môn pháp luật để lựa chọn nội dung, cách thức, phương pháp PBGDPL thích hợp cho học trò của mình. Đồng tình với ông Hà, bà Châu nhận xét, trẻ mầm non được các cô giáo dạy bằng dụng cụ trực quan, tuy chỉ đơn giản là tham gia giao thông nhưng đã biết là không được vượt đèn đỏ và cách giáo dục trực quan cần được nhân rộng.

Cẩm Vân

Qua 3 năm thực hiện TTLT số 30, Bộ GD&ĐT tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 5.100 giáo viên, cán bộ, báo cáo viên pháp luật… Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã công nhận 36 Báo cáo viên pháp luật Trung ương thuộc Bộ GD&ĐT. Nhiều địa phương trong cả nước đạt tỷ lệ 100% các trường trên địa bàn có tủ sách pháp luật/ngăn sách pháp luật…