Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài.

21/11/2014
Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài.
Sáng nay (21/11), tại Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã chủ trì Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Công ước New York (Công ước) năm 1958 về công nhận và cho thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài.

Tham dự Hội nghị có đại diện của Văn phòng Chủ tịch nước, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, VCCI;  đại diện một số Văn phòng Luật sư; đại diện một số Tòa án, Viện kiểm sát ở địa phương và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Từ khi gia nhập Công ước đến nay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực tổ chức thực hiện Công ước New York và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước về thi hành phán quyết trọng tài. Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh Công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài; Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003; Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011); Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và các văn bản pháp luật khác liên quan đến công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.

   

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, giải quyết tranh chấp dân sự, thương mại thông qua phương thức trọng tài được thừa nhận và khuyến khích trên thế giới. Tại Việt Nam, Nhà nước cũng chủ trương khuyến khích, mở rộng việc sử dụng trọng tài trong giải quyết các tranh chấp thương mại. Các Tòa án và cơ quan tư pháp có thẩm quyền đã tiếp nhận và giải quyết nhiều yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam trên cơ sở của Công ước New York, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên có liên quan. Thứ trưởng cho rằng “cùng với quá trình hội nhập quốc tế, cải cách pháp luật và tư pháp thì trọng tài thương mại sẽ ngày càng có vị trí quan trọng hơn trong đời sống kinh doanh tại Việt Nam”.

Chỉ ra các hạn chế còn tồn tại, Thứ trưởng mong rằng, Hội nghị tổng kết sẽ đánh giá đúng tình hình, đưa ra được đề xuất, kiến nghị để thực hiện Công ước New York ngày một tốt hơn.    

   

Đánh giá về thực tiễn giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, các đại biểu tham dự cho rằng, cả về phương diện thể chế và thực tiễn đều nảy sinh một số bất cập. Đại diện Tòa án nhân dân tối cao cho biết, theo thống kê, từ năm 2005 đến năm 2014, tòa án nhân dân trong cả nước đã nhận được 52 đơn yêu cầu cho công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài. Tuy nhiên, 24 quyết định của Trọng tài nước ngoài không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam mà lý do chủ yếu là do sự vi phạm các quy định về tố tụng dân sự của Việt Nam. Để nâng cao hiệu quả giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài, các đại biểu nhấn mạnh về giải pháp cần phải hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan.