Trong bốn ngày làm việc, Hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề pháp luật quốc tế hiện đang là mối quan tâm của các nước thành viên AALCO và những vấn đề tổ chức, tài chính của Tổ chức này. AALCO là tổ chức liên chính phủ duy nhất của các nước Châu Á và Châu Phi tập trung vào các vấn đề pháp luật quốc tế. Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu, hội thảo, tập huấn, hỗ trợ nâng cao năng lực thì Hội nghị thường niên của AALCO có vai trò quan trọng nhất. Tại Hội nghị, 47 nước thành viên AALCO được cập nhật về những sự phát triển của pháp luật quốc tế, bầy tỏ quan điểm pháp lý đối với các chủ đề thảo luận, đề xuất các chủ đề pháp lý mới để các nước quan tâm thúc đẩy. Với khoảng 10 chủ đề pháp luật quốc tế được thảo luận tại Hội nghị, trong đó có:
- Luật biển;
- Vị trí và quy chế đối xử với người tỵ nạn;
- Vấn đề trục xuất người Palestine và các cộng đồng Israel khác trong cuộc di cư và định cư ồ ạt của người Do thái tại các lãnh thổ bị chiếm đóng với sự vi phạm Luật quốc tế và Công ước Geneva thứ tư năm 1949;
- Rà soát lại tất cả những thảo luận, quyết định, án lệ quan trọng tại các thiết chế pháp luật quốc tế, trong đó có Ủy ban luật quốc tế, Ủy ban 6, của Liên hợp quốc, Tòa án công lý quốc tế;
- Hiệu lực áp dụng ngoài biên giới của pháp luật quốc gia: các lệnh trừng phạt chống lại bên thứ ba;
- Môi trường và phát triển bền vững;
- WTO là Thỏa thuận khung và Bộ ứng xử cho Thương mại thế giới;
- Pháp luật quốc tế về sử dụng khoảng không vũ trụ cho Internet.
Bên cạnh các phiên họp toàn thể Hội nghị, phiên họp Nhóm công tác được tổ chức để thảo luận về “Việc nhận dạng Luật Tập quán quốc tế”. Tại Hội nghị, Trung Quốc cũng đề nghị bổ sung nội dung về “không gian mạng” vào chương trình thảo luận với quan điểm đây là nội dung mới, cần được pháp luật quốc tế quan tâm và điều chỉnh đầy đủ hơn.
Các nước thành viên AALCO chào mừng Việt Nam đến dự Hội nghị lần thứ 53 này với tư cách quan sát viên và thể hiện mong muốn Việt Nam sớm trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức.
Việc thảo luận của Hội nghị được tập trung vào dự thảo các văn kiện của Hội nghị do Ban thư ký chuẩn bị, các báo cáo của các chuyên gia quốc tế trong đó có nhiều chuyên gia từ Ủy ban luật quốc tế. Các chuyên gia tập trung trình bày về những quan điểm quốc tế, tình hình thảo luận hiện nay của chủ đề đó trên các diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc. Sau mỗi báo cáo, các nước thành viên đều có phát biểu thể hiện quan điểm của mình về những chủ đề được thảo luận, những việc mình đã làm cũng như thực tiễn tại quốc gia mình.
Trong số các nội dung chính của Hội nghị, Ban thư ký đã lựa chọn 2 chủ đề được các thành viên AALCO thực sự quan tâm và có liên quan trực tiếp đến lợi ích của các nước trong khu vực, đồng thời cũng đang là vấn đề nóng trong quan hệ quốc tế cũng như pháp luật quốc tế để có thảo luận sâu hơn dưới hình thức 2 phiên họp đặc biệt trong nửa ngày. Hai chủ đề được lựa chọn là: “Một số nội dung trong chương trình làm việc của Ủy ban luật quốc tế” và “Khủng bố và chủ nghĩa cực đoan quá khích”. Hai chủ đề này được Hội nghị thảo luận cụ thể hơn vào những nội dung chi tiết như: Miễn trừ của các quan chức chính phủ đối với quyền tài phán hình sự của nước ngoài; Bảo hộ con người trong các thảm họa thiện nhiên; Bảo vệ Khí quyển; Chủ nghĩa cực đoan quá khích: một nguy cơ đe dọa mới và pháp luật quốc tế; Trừng phạt thông qua hệ thống pháp luật hình sự trong nước và quốc tế; Cơ sở pháp lý cho hợp tác khu vực trong việc duy trì hòa bình và an ninh; Chủ nghĩa cực đoan quá khích và sự vi phạm luật nhân quyền quốc tế và quyền con người.
Trong bốn ngày làm việc, Hội nghị đã diễn ra với những thảo luận tích cực, cập nhật những nội dung, tình hình mới trong lĩnh vực pháp luật quốc tế về các nội dung được nêu ra tại Hội nghị. Hội nghị đã đem đến nhiều thông tin hữu ích cho các nước tham dự Hội nghị từ góc độ quốc tế đến quan điểm của từng nước cụ thể cũng như tình hình thực hiện các nội dung cụ thể của các nước thành viên AALCO cũng như những quốc gia khác có liên quan.
Qua Hội nghị có thể nhận thấy các nước đều đánh giá cao vai trò của AALCO với tư cách là một tổ chức quốc tế tập trung vào nhiệm vụ tham vấn về pháp luật quốc tế cho các nước thành viên. Đồng thời cũng thừa nhận vai trò tích cực của AALCO cũng như Ban thư ký trong các hoạt động của pháp luật quốc tế như quá trình hoàn thiện pháp luật quốc tế hiện đại, pháp điển hóa pháp luật quốc tế, cũng như đóng góp vào những vấn đề mới của pháp luật quốc tế. Chẳng hạn vai trò tích cực của AALCO trong hoạt động của Ủy ban pháp luật quốc tế của Liên hợp quốc; trong các hoạt động nghiên cứu và nâng cao năng lực cho các quốc gia thành viên của AALCO thông qua các hội thảo và các khóa học chuyên sâu về pháp luật quốc tế; các chương trình đào tạo, nghiên cứu với các trường đại học…
Tuy nhiên vai trò là một tổ chức tư vấn cũng đã làm cho vấn đề tổ chức của AALCO còn lỏng lẻo. Bên cạnh đó, với việc thành viên của AALCO là những quốc gia đến từ 2 Châu lục lớn và phần lớn là những nước đang phát triển cũng làm cho vấn đề tổ chức của AALCO có những hạn chế nhất định do sự khác biệt về trình độ phát triển, cũng như sự khác biệt về lợi ích chính trị và kinh tế do đặc thù của mỗi vùng, khu vực trong nội bộ AALCO. Điều này dẫn đến có những sự khác biệt thậm chí là trái ngược khá lớn giữa các quốc gia thành viên AALCO trong một số vấn đề bên cạnh những nội dung được thống nhất cao giữa các thành viên AALCO. Chính vì vậy một trong những quan điểm về mặt tổ chức được Bộ trưởng Tư pháp Iran đề cập tại Hội nghị là biến AALCO thành một tổ chức quốc tế có quyền lực hơn, ra các Nghị quyết có tính chất ràng buộc và hiệu lực pháp lý quốc tế cao hơn. Tuy nhiên, có lẽ tại thời điểm hiện nay, với những sự khác biệt lớn giữa các thành viên, đây chưa phải là một ý tưởng phù hợp cho AALCO.
Mặc dù vậy, AALCO vẫn là một tổ chức nhận được sự quan tâm của các nước trong khu vực. Điều đó thể hiện qua sự hiện diện của Phó Tổng thống chuyên trách về pháp luật của Iran, Bộ trưởng Tư pháp Iran, các Bộ trưởng, Tổng công tố của các nước Thành viên AALCO tại Hội nghị. Sau bốn ngày làm việc tích cực, Hội nghị đã kết thúc tốt đẹp và dự kiến Hội nghị thường niên lần thứ 54 của AALCO vào năm 2015 sẽ được tổ chức tại Trung Quốc.
Với tư cách quan sát viên tại Hội nghị lần này, Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam đã tham dự đầy đủ các phiên họp toàn thể của Hội nghị và phiên họp Nhóm công tác được tổ chức đồng thời với phiên họp toàn thể. Bên lề của Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã có những buổi gặp và trao đổi với Tổng Thư ký của AALCO, Chủ tịch Hội nghị AALCO lần thứ 53 (Iran - nước chủ nhà của Hội nghị), các Đoàn Nhật Bản, Sri Lanca, Ấn độ, Thái Lan, Malaysia, Liên bang Nga, Hàn Quốc…
Đoàn công tác Việt Nam tại Tehran
Bài viết liên quan:
Đoàn công tác Việt Nam tại hội nghị AALCO lần thứ 53