Tham dự tọa đàm có ông Nguyễn Xuân Tùng - Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp; ông Ngô Ngọc Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia; ông Đặng Trần Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Con nuôi; ông Trần Hoài Phú, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam; ông Bùi Sỹ Hoàn, Phó Giám đốc STP Hải Dương; đại diện Lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị làm công tác văn phòng, xây dựng văn bản, theo dõi thi hành pháp luật và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và một số đơn vị liên quan các đơn vị thuộc Bộ (Cục Bổ trợ Tư pháp, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính; Cục Xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật), Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại Tọa đàm, đại biểu đã được cung cấp thông tin một cách khá toàn diện về chỉ số MEI, sự cảm nhận của các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp về công tác xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của Bộ Tư pháp; được nghe các chuyên gia, đại diện các đơn vị thuộc Bộ trình bày các chuyên đề, tham luận như: Tổng quan về MEI và Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp trong các năm 2011 và 2012; Thực trạng hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của Bộ Tư pháp; Tình hình triển khai, thi hành pháp luật về lĩnh vực luật sư và giám định tư pháp - một số giải pháp nâng cao hiệu quả trong thời gian tới; Thực trạng xây dựng và thi hành pháp luật về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm và một số giải pháp nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.
Các đại biểu đã tích cực tham gia phát biểu, trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến công tác xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của Bộ Tư pháp, tập trung làm rõ nguyên nhân về sự sụt giảm điểm các chỉ tiêu, chỉ số thành phần MEI 2012 so với năm 2011, cụ thể là các chỉ tiêu về sự cần thiết của văn bản quy phạm pháp luật, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, loại thông tin cung cấp (tuyên truyền phổ biến pháp luật), hoạt động thi hành pháp luật cơ bản, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành, trách nhiệm giải trình.
Nhiều ý kiến phát biểu đã làm sâu sắc hơn thực trạng công tác xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của Bộ Tư pháp và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới, cụ thể là: cần rà soát một cách hệ thống và cụ thể các vấn đề về Chỉ số MEI để đề xuất Lãnh đạo Bộ có văn bản quán triệt đến các đơn vị thuộc Bộ về việc triển khai thực hiện Chỉ số MEI và các vấn đề liên quan; nghiêm túc thực hiện việc lấy ý kiến của VCCI trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh; có cảnh báo đối với những chỉ tiêu MEI 2012 mà Bộ Tư pháp bị giảm điểm so với năm 2011; trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh, cần quan tâm, đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông để tiếp tục nâng cao nhận thức về Chỉ số MEI…
Chỉ số MEI của Bộ Tư pháp được thực hiện thiết thực, hiệu quả sẽ trở thành một trong những công cụ hữu hiệu thúc đẩy công tác xây dựng pháp luật nói chung cũng như công tác xây dựng và thực hiện pháp luật về kinh doanh nói riêng, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi trong hoạt động của mình và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội./.
Thu Hà -Văn phòng Bộ