Hạn chế để bảo đảm tính cạnh tranh
Hướng dẫn Điều 6 Luật Đấu thầu về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, Dự thảo Nghị định đã làm rõ khái niệm “độc lập về pháp lý” và “độc lập về tài chính” giữa nhà đầu tư và nhà thầu tư vấn lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư; cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu. Theo đó, nhà đầu tư được coi là độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các đối tượng trên nếu đáp ứng đủ 3 điều kiện gồm không cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý đối với đơn vị sự nghiệp; nhà đầu tư tham dự thầu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau; nhà đầu tư tham dự thầu với nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi (trừ trường hợp nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi), thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và nhà thầu tư vấn lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư không có cổ phần hoặc vốn góp của nhau, không cùng có cổ phần hoặc vốn góp của một số tổ chức, cá nhân khác với từng bên từ 20% trở lên.
Có ý kiến cho rằng, quy định như trên của Dự thảo Nghị định sẽ làm hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 30% cổ phần sẽ không được tham gia đầu thầu để đảm bảo tính cạnh tranh. Tuy nhiên, đồng tình với nội dung hiện tại của Dự thảo, một số ý kiến lại phân tích, sự tham gia đấu thầu của doanh nghiệp nhà nước không những không đảm bảo cạnh tranh trong quá trình đấu thầu mà còn làm giảm tính thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính tham gia đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) tại Việt Nam trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy mô hình đầu tư PPP.
Lý giải thêm về vấn đề này, theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tương lai gần khi các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa đúng chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, việc quy định về bảo đảm tính cạnh tranh như Dự thảo sẽ không còn là rào cản làm hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính đa phương (Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á) đều kiến nghị không cho phép doanh nghiệp nhà nước tham gia đấu thầu dự án PPP vì các tổ chức tài chính có quy định việc doanh nghiệp phải không có cổ phần do Nhà nước nắm giữ mới đảm bảo cạnh tranh trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Do vậy, để hài hòa điều kiện hiện tại của Việt Nam và thông lệ quốc tế, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất được giữ nguyên quy định của Dự thảo Nghị định.
Lo ngại trường hợp “nhắm trước” nhà đầu tư
Cũng theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở ý kiến của nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, Bộ đã đưa ra các trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư dự án. Cụ thể là trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký và đáp ứng hồ sơ mời sơ tuyển, chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển; chỉ có duy nhất một nhà đầu tư có khả năng thực hiện do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn; dự án do nhà đầu tư đề xuất đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án khả thi và hiệu quả cao nhất do Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trên cơ sở thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (giá dịch vụ hoặc vốn góp của Nhà nước hoặc lợi ích xã hội, lợi ích Nhà nước hợp lý đồng thời đạt được mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo; giá dịch vụ hoặc vốn góp của Nhà nước hoặc lợi ích xã hội, lợi ích Nhà nước hợp lý đồng thời đáp ứng được nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước).
Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Thu Hòe dự liệu phải chăng trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký và đáp ứng hồ sơ mời sơ tuyển, chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển là do đã “nhắm trước” một nhà đầu tư nào đấy nên đưa ra những điều kiện khiến các nhà đầu tư khác không thể đáp ứng được và chưa phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu. Kết luận vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng lo ngại, nội dung hướng dẫn của Dự thảo Nghị định mở rộng hơn so với Luật Đấu thầu nên đề nghị Ban soạn thảo rà soát thật kỹ lưỡng.
Cẩm Vân