Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ tháng 7/2013, Lãnh đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh đã nghiêm túc chỉ đạo, quán triệt đến các cơ quan, đơn vị trong phạm vi thẩm quyền về nội dung Chỉ thị số 15/CT-TTg và quy định của Nghị định số 48/2013/NĐ-CP thông qua nhiều hình thức phù hợp, như: ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện, tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn để quán triệt ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung yêu cầu của công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC)… Từ đó đã đạt được những kết quả tích cực trên các mặt: chuyển giao, tiếp nhận nhiệm vụ, tổ chức, biên chế; sửa đổi, hoàn thiện quy trình, quy chế để thực hiện công tác kiểm soát TTHC; công tác kiểm tra việc thực hiện kiểm soát TTHC; việc bố trí kinh phí cho hoạt động kiểm soát TTHC cũng như một số nhiệm vụ khác được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì.
Các Bộ, ngành, địa phương đã bước đầu gắn công tác kiểm soát TTHC với xây dựng thể chế thông qua việc tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm soát TTHC năm 2014 thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành, địa phương song song với việc kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác kiểm soát TTHC. Tính đến hết tháng 12 năm 2013, việc chuyển giao, tiếp nhận nhiệm vụ, tổ chức, biên chế hành chính và các điều kiện về tài chính, trang thiết bị, tài sản, hồ sơ, tài liệu có liên quan từ Văn phòng Bộ và cơ quan ngang Bộ, ngành, Văn phòng UBND tỉnh, thành phố về Tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp tại 24 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cơ bản hoàn thành, giúp ổn định tổ chức, hạn chế tình trạng gián đoạn trong công tác kiểm soát TTHC.
Hầu hết các Tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp sau khi nhận nhiệm vụ kiểm soát TTHC đã phát huy vai trò tham mưu cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm soát TTHC. Nhiều Bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xác định cải cách TTHC, kiểm soát TTHC là một trong những tiêu chí quan trọng, cần tập trung và quan tâm đẩy mạnh để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe một số định hướng cải cách và nhiệm vụ cần tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 06/6/2014 của Chính phủ và Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; Tập trung định hướng cho việc hoàn thiện các quy định về TTHC tạo môi trường pháp lý cho hoạt động đầu tư minh bạch, thông thoáng, hiệu quả; Đảm bảo việc thực hiện TTHC hiệu lực, hiệu quả; Giảm chi phí tuân thủ TTHC cho nhà đầu tư góp phần giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả đầu tư và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Các giải pháp tại Nghị quyết giúp giảm bớt thời gian thực hiện thông qua việc loại bỏ, đơn giản hóa các TTHC trong quy trình thực hiện dự án đầu tư. Theo đó, số lượng TTHC của các cá nhân, doanh nghiệp phải thực hiện từ khi chuẩn bị đầu tư đến khi dự án đi vào vận hành đã được cắt giảm, đối với dự án phải thực hiện quy trình đầy đủ, phức tạp nhất so với trước đây là 12 thủ tục. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu đề xuất cơ chế thực hiện liên thông hay cho phép thực hiện song song, đồng thời TTHC cũng giúp giảm bớt đáng kể thời gian thực hiện. Nếu thực hiện triệt để các giải pháp đề ra, thời gian thực hiện TTHC tương ứng với việc giảm thời gian theo quy định hiện nay từ 155-865 ngày làm việc xuống còn khoảng 80-385 ngày làm việc, giúp cắt giảm tương ứng từ 75-480 ngày làm việc so với hiện nay (tiết kiệm khoảng hơn 50% thời gian thực hiện TTHC của nhà đầu tư; tương ướng tiết kiệm chi phí tuân thủ TTHC cho nhà đầu tư hàng năm khoảng hơn 1.241 tỷ đồng).
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng ghi nhận những kết quả đạt được sau 01 năm thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg và tình hình, kết quả công tác kiểm soát TTHC 06 tháng đầu năm 2014. Thứ trưởng khẳng định, việc chuyển hệ thống cơ quan, đơn vị làm công tác kiểm soát TTHC từ Văn phòng các Bộ, cơ quan, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sang Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp đã thể hiện sự tin tưởng và đánh giá cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ngành, đồng thời cũng thể hiện tầm quan trọng của công tác kiểm soát thủ tục hành chính trong quá trình cải cách hành chính, cải cách thể chế do những lợi ích thiết thực mà kiểm soát thủ tục hành chính mang lại thông qua việc gắn công tác này với công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thực thi pháp luật và kiểm tra, rà soát văn bản pháp luật.
Để hiện thực hóa quyết tâm cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng đề nghị các đồng chí lãnh đạo Tổ chức Pháp chế, Sở Tư pháp: quán triệt nội dung, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC tại đơn vị mình và chủ động tham mưu cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trung ương tổ chức triển khai công tác này một cách hiệu quả; Khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch để triển khai thực hiện đồng bộ những nội dung nhiệm vụ cải cách TTHC được giao tại Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 43/NQ-CP, Quyết định số 1299/QĐ-TTg; Nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ đã nêu trong Kế hoạch kiểm soát TTHC năm 2014 do Bộ, ngành, địa phương ban hành theo thẩm quyền; Hướng dẫn các Vụ, Cục, Tổng cục, các Sở, ban, ngành thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động, tham gia ý kiến, thẩm định đối với quy định về TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời loại bỏ các TTHC không cần thiết, không hợp lý, không hiệu quả ngày từ khâu dự thảo; Đôn đốc kịp thời các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ, các Sở, ban, ngành công bố TTHC thuộc phạm vi quản lý theo đúng thời hạn quy định; Tăng cường kiểm tra việc thực hiện kiểm soát TTHC tại các đơn vị trực thuộc, nhất là việc niêm yết công khai về tình hình, kết quả giải quyết TTHC để kịp thời chỉ đạo, xử lý, tháo gỡ khó khăn. Đồng thời tiếp tục kiện toàn các Phòng Kiểm soát TTHC và nâng cao chất lượng đội ngũ những cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm soát TTHC; Đối với Tổ chức Pháp chế các Bộ, ngành, cần hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 của Đề án 896 trong đó có việc rà soát, đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư.
Thứ trưởng nhận định, nhiệm vụ phía trước của Bộ Tư pháp nói chung, Cục Kiểm soát TTHC nói riêng là rất nặng nề, Lãnh đạo Bộ Tư pháp tin tưởng rằng với sự chung tay cải cách hành chính của toàn xã hội trong thời gian tới công tác kiểm soát TTHC sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và gặt hái được nhiều thành quả to lớn hơn nữa.