Bộ Tư pháp tổ chức họp Hội đồng thẩm định dự án Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế ưu đãi đối với cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ đặc biệt

08/08/2014
Thực hiện Quyết định số 1795/QĐ-BTP ngày 04/08/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Hội đồng thẩm định dự án Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế ưu đãi đối với cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ đặc biệt (sau đây gọi tắt là Hội đồng), ngày 07 tháng 8 năm 2014, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định dự án Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế ưu đãi đối với cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ đặc biệt. Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng đã dự và chủ trì phiên họp.

Các thành viên tham dự hội đồng là đại diện đến từ các Bộ Tài chính; Bộ Nội vụ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế; các chuyên gia tư vấn độc lập và đại diện một số đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp.

Mở đầu phiên họp, sau khi nghe đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Khoa học và Công nghệ) thuyết minh về hồ sơ và nội dung dự án Nghị quyết, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đề nghị thành viên hội đồng tập trung làm rõ một số vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết, nội dung Nghị quyết.

Về sự cần thiết ban hành, các thành viên hội đồng đều đồng thuận nhất trí với việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế ưu đãi đối với cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ đặc biệt nhằm thực hiện chủ trương “Thí điểm hợp tác xây dựng một số viện khoa học và công nghệ tiên tiến có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” quy định tại Khoản 5 Mục IV Điều 1 Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và “tập trung đầu tư phát triển một số viện nghiên cứu theo mô hình tiên tiến của thế giới” của Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI về phát triển KH&CN. Tiến sỹ Thang Văn Phúc, thành viên Hội đồng cho rằng: “Đã khoảng 10 năm, từ khi Nhà nước chủ trương cải cách hành chính, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức khoa học công nghệ, tuy nhiên, cho đến nay, hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ không được cải thiện nhiều. Mặc dù Luật khoa học và công nghệ năm 2013 đã có hiệu lực và có những cơ chế đột phá mới, tuy nhiên, một số vướng mắc vẫn chưa giải quyết được do vẫn phải tuân thủ hệ thống pháp luật hiện hành, trong đó, có nhiều quy định đã lỗi thời, cứng nhắc. Vì vậy, cần phải có những bước đột phá mạnh mẽ hơn nữa, phải có sự đầu tư mạo hiểm nhằm thúc đẩy nền khoa học và công nghệ nước nhà và do đó, mô hình liên kết với các tổ chức khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới là rất cần thiết để Nhà nước ta có thể tiếp cận với trình độ khoa học vượt trội của thế giới”.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị quyết, có một số ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn về nội hàm của “cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ đặc biệt”. Ngoài ra, lĩnh vực công nghệ tiên tiến và đa ngành mà cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ đặc biệt tiến hành cũng cần phải được quy định cụ thể hơn. Các thành viên đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu các quy định về điều kiện của cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ đặc biệt theo hướng chặt chẽ hơn nhằm thu hẹp đối tượng có thể áp dụng, tránh trường hợp chính sách được áp dụng tràn lan khi có nhiều tổ chức có thể đáp ứng được yêu cầu về điều kiện thành lập trong tương lai trong khi hiệu quả của chính sách dành cho cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ đặc biệt chưa được rõ ràng.

Kết luận phiên họp Hội đồng thẩm định, Chủ tịch Hội đồng, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho rằng, để tạo sự đột phá, chuyển biến trong hoạt động của nền khoa học công nghệ nước nhà đồng thời hiện thực hóa chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, việc xây dựng và ban hành dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế ưu đãi đối với cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ đặc biệt là cần thiết. Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát lại nội dung dự thảo Nghị quyết để bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Đề nghị cần cân nhắc lại việc quy định về quyền ‘kiểm toán nội bộ” của cơ sở khoa học công nghệ đặc biệt tại dự thảo Nghị quyết vì còn nhiều ý kiến thành viên hội đồng đề nghị việc kiểm toán phải được thực hiện bởi kiểm toán nhà nước để bảo đảm tính minh bạch, khách quan. Bên cạnh đó, đối với những quy định không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành tại dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng cũng đề nghị cần tiến hành rà soát, liệt kê rõ ràng và giải thích lý do để bổ sung thêm vào hồ sơ dự án Nghị quyết để quá trình thẩm tra, xin ý kiến thông qua dự thảo Nghị quyết được thuận lợi hơn.