Tại phiên họp lần này, nhiều nội dung của Bộ Luật dân sự (BLDS) tiếp tục được các chuyên gia đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là một số nội dung liên quan đến “vật quyền”, “trái quyền” trong BLDS đã đạt được sự đồng thuận cao của các chuyên gia và thành viên tổ biên tập. Nhiều thành viên cho rằng, việc quy định “vật quyền”, “trái quyền” có một ý nghĩa lớn trong việc bảo đảm trật tự xã hội và trật tự giao lưu dân sự, không bị xáo trộn làm ảnh hưởng đến lợi ích chung và lợi ích chính của chủ thể. Những thuật ngữ này ban đầu có thể khó hiểu với người dân, thậm chí đối với cơ quan áp dụng pháp luật, nhưng quá trình thi hành pháp luật, nghiên cứu khoa học và phổ biến pháp luật thì thuật ngữ này cũng sẽ dần trở thành quen thuộc.
Theo Vụ trưởng Vụ pháp luật quốc tế Dương Đăng Huệ, đối với việc sử dụng hai thuật ngữ trên, tới đây sẽ có một nguyên lý thống nhất trong xây dựng các chế độ pháp lý tương ứng cho các quyền tài sản có tính chất khác biệt. Trên cơ sở đó, các chủ thể trong giao dịch dân sự lựa chọn thực hiện các quyền tài sản phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mình để phát huy cao nhất giá trị hàng hóa tài sản và giá trị hàng hóa của sức lao động. Mặt khác, quy định quyền tài sản trong giao lưu dân sự thành “vật quyền” và “trái quyền” cũng đảm bảo cho Việt Nam thuận lợi hơn, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế trong hội nhập kinh tế quốc tế. Ông cũng cho biết, các thuật ngữ này đã được sử dụng nhiều ở Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử của nước ta như trong: Dân luật Bắc kỳ năm 1931, Hoàng Việt Trung kỳ hộ luật năm 1936. Sau ngày 2 tháng 9 năm 1945, do hoàn cảnh kháng chiến chống Pháp, các Bộ luật dân sự có trước năm 1945 vẫn được áp dụng.
Bên cạnh vấn đề trên, các thành viên Hội đồng cũng tiếp tục thảo luận sâu về vấn đề “lãi và lãi suất trong thực hiện nghĩa vụ trả tiền”. Nhiều ý kiến của các thành viên băn khoăn, hiện nay ở nước ta có rất nhiều ngân hàng, mỗi ngân hàng áp dụng một lãi suất, và lãi suất thay đổi theo ngày, theo tháng. Vì thế trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước là phải ấn định một mức “lãi suất cứng” (lãi suất cơ bản) để hoạt động tín dụng cũng như sản xuất hoạt động hiệu quả hơn, giúp nền kinh tế toàn dân phát triển bền vững.
Phát biểu tại phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Bộ Luật Dân sự là một bộ luật nền, những vấn đề liên quan trực tiếp đến dân sự chúng ta phải quy định trong bộ luật này. Bộ luật Dân sự là cái gốc, các luật chuyên ngành là ngọn, do đó cái gốc phải to lớn, vững chắc thì ngọn mới phát triển tốt được. Trong lĩnh vực dân sự kinh tế, Bộ luật phải quy định chung, nguyên tắc, chuẩn mực để các Luật chuyên ngành đi theo”.
Chiều cùng ngày, phiên làm việc tiếp tục với một số nội dung quan trọng khác của dự thảo BLDS./.