Sáng ngày 04/7, Tổ biên tập dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã họp cho ý kiến về dự thảo 3. Tham dự cuộc họp, ngoài các thành viên Tổ biên tập là đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Hà Nội, còn có sự tham dự của đại diện một số Toà án nhân dân quận, huyện, tổ chức tín dụng, tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp đã báo cáo với các thành viên Tổ biên tập, các đại biểu dự họp về những nội dung chủ yếu của dự thảo Thông tư sau khi nghiên cứu, chỉnh lý ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao tại cuộc họp ngày 06/6/2014, đồng thời tập trung phân tích những vấn đề còn có ý kiến khác nhau cần tiếp tục xin ý kiến Tổ biên tập. Dự thảo Thông tư liên tịch hiện có 4 chương, 12 Điều, trong đó chương 2 tập trung điều chỉnh về các vấn đề liên quan đến ký kết hợp đồng thế chấp của các chủ thể (hộ gia đình, vợ chống...), trong khi chương 3 tập trung điều chỉnh về giải quyết tranh chấp hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Ngoài nội dung của dự thảo Thông tư, Thường trực Tổ biên tập đề nghị các thành viên Tổ biên tập tập trung cho ý kiến về 03 vấn đề hiện còn có ý kiến khác nhau.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, các thành viên Tổ biên tập cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo Thông tư. Dự thảo lần này có nhiều điểm mới, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, ví dụ như: Hướng dẫn về tiêu chí xác định thành viên Hộ gia đình khi ký hợp đồng thế chấp trên tinh thần khoản 19 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013; quy định về hình thức pháp lý của hợp đồng thế chấp mà bên thế chấp và bên vay vốn là 02 chủ thể khác nhau; quy định về nguyên tắc Tòa án không tuyên vô hiệu với lý do hình thức (tên gọi) của hợp đồng không phù hợp với nội dung được các bên thỏa thuận trong hợp đồng; ngặn chặn việc thế chấp khi có tránh chấp... Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành có liên quan đã ban hành Thông tư liên tịch về thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, Thông tư liên tịch về xử lý tài sản bảo đảm, do đó việc sớm ban hành Thông tư liên tịch này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an toàn tín dụng, giảm thiếu tranh chấp phát sinh trong thực tiễn giao kết, thực hiện hợp đồng bảo đảm.
Tại cuộc họp, vấn đề xác định tư cách thành viên hộ gia đình khi ký kết, thực hiện hợp đồng thế chấp tiếp tục nhận được ý kiến cần phải "giải mã" chi tiết hơn nhằm tránh nguy cơ hợp đồng bị vô hiệu, song cũng cần lưu ý để hạn chế những thủ tục phức tạp khi xác định tiêu chí thành viên hộ gia đình.
Sau cuộc họp Tổ biên tập mở rộng, các đơn vị có liên quan của Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, chỉnh lý và tiến hành họp tư vấn thẩm định trước khi trình Lãnh đạo các Bộ, ngành xem xét, quyết định vào đầu tháng 8/2014.
Dương Thu Trang - Cục Đăng ký QGGDBĐ