Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, công tác hợp tác quốc tế (HTQT) về pháp luật và tư pháp ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với mỗi quốc gia. Không nằm ngoài xu thế đó, trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước và của Ngành Tư pháp, trong năm qua, Bộ Tư pháp đã không ngừng củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Nhiều kết quả khả quan thu được góp phần tích cực vào việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Trong năm qua, thực hiện Kế hoạch đối ngoại năm 2009, Bộ Tư pháp đã thúc đẩy, củng cố và tăng cường HTQT với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Trước hết, Bộ Tư pháp đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp với các nước láng giềng, khu vực và các đối tác khác thông qua các chuyến thăm và làm việc chính thức của lãnh đạo Bộ Tư pháp Việt Nam (VN) tới các nước bạn cũng như của lãnh đạo Bộ Tư pháp các nước bạn tới VN. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã sang thăm và làm việc tại Kazakhstan, Hungari và Đan Mạch hồi tháng 9/2009 nhân tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm hữu nghị chính thức 3 nước này. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã có các cuộc tiếp xúc với Bộ Tư pháp của Kazakhstan nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa hai nước. Với Đan Mạch, Bộ trưởng Tư pháp nước ta đã ký với Bộ trưởng Tư pháp Đan Mạch văn kiện Chương trình “Đối tác tư pháp” do EU, Đan Mạch và Thụy Điển tài trợ. Tháng 12/2009, Bộ trưởng Hà Hùng Cường có chuyến thăm và làm việc tại Campuchia. Nhân chuyến thăm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp hai nước đã ký Bản Ghi nhớ hợp tác về tăng cường năng lực nghiệp vụ, xây dựng pháp luật và đào tạo nguồn nhân lực; trao đổi sơ bộ về dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại. Đây là chuyến thăm Campuchia đầu tiên của Bộ trưởng Tư pháp nước ta, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa hai nước.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cũng đã thực hiện các chuyến thăm và làm việc tại Nga, Anh, Thụy Sỹ, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Nhật Bản; Thứ trưởng Đinh Trung Tụng làm việc tại Hoa Kỳ, Singapore; Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính thăm và làm việc tại Thái Lan, Pháp, Anh; Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền thăm và làm việc tại Thụy Điển, Trung Quốc, Đức. Mục đích của các chuyến thăm và làm việc này chủ yếu nhằm tìm kiếm khả năng mở ra giai đoạn mới về hợp tác pháp luật và tư pháp với các đối tác; nghiên cứu, khảo sát chuyên sâu về một số chủ đề phục vụ công tác xây dựng và thực thi pháp luật.
Cũng trong năm qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Bungary đã sang thăm và làm việc với Bộ Tư pháp VN nhân dịp tháp tùng Tổng thống Bungary trong chuyến thăm hữu nghị chính thức VN vào cuối tháng 1/2009. Thỏa thuận hợp tác song phương về pháp luật và tư pháp đã được hai Bộ ký kết, tập trung vào hợp tác trao đổi chuyên gia, tài liệu phục vụ hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật tại hai nước. Ngoài ra, VN cũng đã tiếp đón ba Đoàn Thứ trưởng Tư pháp sang thăm và làm việc tại VN: Thứ trưởng Tư pháp Singapore, Thứ trưởng Tư pháp Lào, Quốc Vụ khanh Bộ Tư pháp Đức. Nội dung chủ yếu của các chuyến thăm và làm việc này tập trung vào trao đổi, kiểm điểm việc thực hiện các Thỏa thuận hợp tác song phương về pháp luật và tư pháp; thảo luận nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp trong giai đoạn mới; khởi động một số chương trình hợp tác mới được ký kết.
Có thể khẳng định rằng, nhờ các hoạt động hợp tác trên mà trong năm 2009, quan hệ HTQT về pháp luật và tư pháp có nhiều khởi sắc với việc ba dự án hợp tác mới được hình thành (Chương trình “Đối tác tư pháp” do Liên minh Châu Âu (EU), Đan Mạch và Thụy Điển tài trợ; Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền” do UNDP tài trợ; Dự án “Phát triển lập pháp” do Canada tài trợ). Quan hệ hợp tác với các nước láng giềng (Lào và Campuchia) được đưa lên một tầm cao mới trong năm 2009. Lần đầu tiên, Bộ trưởng Tư pháp nước ta thăm Campuchia, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp với bạn. Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống như các nước Đông Âu cũ (Hungary, Kazakhstan, Bungary) cũng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong năm 2009, hứa hẹn nhiều kết quả tốt đẹp. Quan hệ hợp tác với các đối tác khác được tiếp tục duy trì và phát triển như: chuẩn bị cho giai đoạn hợp tác mới của Dự án JICA-Nhật Bản; duy trì và đưa các quan hệ đã được thiết lập đi vào chiều sâu với các đối tác như Pháp (Nhà Pháp luật Việt-Pháp), Canada, EU, UNDP...
Bên cạnh những nỗ lực nói trên của Bộ Tư pháp trong việc tăng cường gắn kết hơn nữa quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp, trong năm qua, Bộ Tư pháp cũng đã thực hiện tốt công tác tương trợ tư pháp. Thực hiện quy định của Luật Tương trợ tư pháp, trong năm 2009 Bộ Tư pháp đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại: tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp (soạn thảo 1 Thông tư của Bộ Tư pháp, 2 Thông tư liên tịch hướng dẫn luật TTTP); tiếp tục đàm phán một số hiệp định/thỏa thuận quốc tế về TTTP với các nước (đàm phán 7 hiệp định và 1 thỏa thuận); hoàn thành báo cáo Chính phủ về công tác TTTP; thực hiện tốt công tác ủy thác tư pháp (trung bình mỗi tháng 250 vụ ủy thác tư pháp).
Cũng trong năm qua, Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp với các Bộ/ngành tiến hành tổng kết Chỉ thị số 57-CT/TW ngày 08/8/1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa VII về hợp tác với nước ngoài về pháp luật và cải cách hành chính, Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa VII về vấn đề quyền con người và quan điểm chủ trương của Đảng ta. Bộ Tư pháp cũng nghiên cứu tổng thể về một số điều ước/thiết chế đa phương về pháp luật và tư pháp như Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế (ICC), Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ và Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. Ngoài ra, Bộ Tư pháp tiếp tục làm tốt công tác vận động, điều phối, thẩm định (thẩm định 34 chương trình, dự án), theo dõi, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo các chương trình, dự án, hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật trong phạm vi toàn quốc; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ tuân thủ đúng các quy định về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật; kịp thời chấn chỉnh một số trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.