Hội nghị sơ kết thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008

26/11/2013
Hội nghị sơ kết thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008
Chiều 25/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị sơ kết Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (Luật Quốc tịch) nhằm đánh giá một cách toàn diện tình hình triển khai công tác quốc tịch tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như tại các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Tống Anh Hào, đại diện một số đơn vị của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Ban Nội chính Trung ương..., đại diện lãnh đạo UBND, Sở Tư pháp một số tỉnh và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng chủ trì Hội nghị.

Báo cáo sơ kết thi hành Luật Quốc tịch, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, chứng thực cho biết: sau 4 năm triển khai thực hiện Luật tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hơn 100 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã bước đầu đã thu được những kết quả quan trọng. Nhận thức của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức kinh tế và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò của quốc tịch Việt Nam được nâng lên rõ rệt. Việc xác định quốc tịch, giải quyết các vấn đề về quốc tịch Việt Nam tại các cơ quan Nhà nước về cơ bản đã đi vào nề nếp; trình tự, thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch được thực hiện khá bài bản, đảm bảo chặt chẽ, thuận lợi cho người dân. Nhu cầu giải quyết các việc về quốc tịch Việt Nam của công dân trong và ngoài nước được thực hiện kịp thời và hiệu quả, ngày càng tạo thuận lợi cho người dân. Đặc biệt, việc giải quyết nhập quốc tịch Việt Nam cho những người không quốc tịch cư trú ổn định tại Việt Nam từ 20 năm trở lên đã góp phần tích cực vào việc hạn chế tình trạng không quốc tịch ở nước ta, thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước. Qua đó, công tác quốc tịch đã đóng góp quan trọng vào việc giữ vững ổn định, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng của đất nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Quốc tịch thể hiện độc lập, chủ quyền của nhà nước, thể hiện mối quan hệ thiêng liêng, gắn bó hai chiều giữa công dân với nhà nước, với quốc gia người đó mang quốc tịch. Với ý nghĩa quan trọng như vậy, vấn đề quốc tịch luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Việc Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 ra đời là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về quốc tịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước cũng như thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc. Bộ trưởng nhận định: qua 4 năm thi hành Luật, công tác quốc tịch đã có những chuyển biến tích cực, góp phần tạo dựng hình ảnh đất nước trong quá trình hội nhập, thể hiện chính sách cởi mở của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ mới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ: bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện pháp luật về quốc tịch thời gian qua cũng còn một số tồn tại, hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến việc nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức và người dân về vị trí, vai trò của công tác quốc tịch còn chưa đầy đủ, sự quan tâm của một số lãnh đạo địa phương còn hạn chế… Để công tác này đi vào thực chất và đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức về ý nghĩa chính trị, pháp lý của vấn đề quốc tịch; tập trung rà soát các văn bản pháp luật trong lĩnh vực này để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, bất cập; tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong việc giải quyết các việc về quốc tịch; tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai có hiệu quả Điều 22 Luật Quốc tịch...

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và một số địa phương, đồng thời tiến hành trao đổi, thảo luận để tìm ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thi hành Luật Quốc tịch, từ đó chỉ rõ những nguyên nhân và đề xuất các giải pháp để Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành tiếp tục đi vào cuộc sống một cách thiết thực và hiệu quả hơn.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng khẳng định: qua bốn năm thực hiện, về cơ bản Luật Quốc tịch đã đi vào cuộc sống, từ nhận thức, tuyên truyền đến triển khai thi hành, đã tạo được sự chuyển biến tích cực so với thời gian trước. Thứ trưởng tin tưởng rằng, với sự nỗ lực và phối hợp tốt của các Bộ, ngành và địa phương, trong thời gian tới công tác quốc tịch sẽ có nhiều khởi sắc hơn nữa, đảm bảo thực hiện tốt nhất quyền lợi của nhân dân.