Trả lời kiến nghị của cử tri các tỉnh Hải Dương, Bình Định, Thái Nguyên, Hà Nội, Phú Yên về tình trạng Luật “chờ” Nghị định, Nghị định “chờ” Thông tư và nhiều văn bản không sát với thực tế cuộc sống, Bộ Tư pháp cho biết: “tình trạng chậm tiến độ, nợ đọng văn bản đã giảm theo từng năm, chất lượng văn bản được nâng lên”. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, với 760 nội dung cần quy định chi tiết trong các luật, pháp lệnh được thông qua từ ngày 1/1/2009 đến ngày 30/6/2012, có 611 nội dung quy định chi tiết 46 luật, pháp lệnh có hiệu lực đến hết năm 2012 và 149 nội dung quy định chi tiết 15 luật, pháp lệnh sẽ có hiệu lực vào năm 2013. Hiện có 386/611 nội dung quy định chi tiết 46 luật, pháp lệnh có hiệu lực đến hết năm 2012 đã được quy định chi tiết (đạt 71,5%), còn 225/611 nội dung chưa quy định chi tiết (chiếm 28,5%), là tỷ lệ thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Để khắc phục tình trạng chậm tiến độ, nợ đọng văn bản, Bộ Tư pháp cho biết “đã và đang tiếp tục tăng cường tham mưu cho Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp”, trong đó, thường xuyên quán triệt cho lãnh đạo các Bộ, ngành về tầm quan trọng của công tác xây dựng VBQPPL, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2008, kiên quyết chưa trình Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban thường vụ QH những dự án luật, pháp lệnh chưa đạt chất lượng. Bộ Tư pháp cũng cho biết sẽ tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPl, khẩn trương xây dựng Luật Ban hành VBQPPL trên cơ sở hợp nhất Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 và Luật Ban hành VBQPPL của HĐND và UBND năm 2004.
Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam về việc chất lượng bản sao một số biểu mẫu liên quan đến công tác hộ tịch quá xấu, dễ hư hỏng, Bộ Tư pháp cho biết: Từ tháng 7/2010, Bộ Tư pháp chỉ trực tiếp in và phát hành 5 loại biểu mẫu, giấy tờ hộ tịch. Các loại biểu mẫu, giấy tờ hộ tịch này đều đảm bảo các yêu cầu về chất lượng theo đúng mẫu chuẩn đã được phê duyệt (giấy đẹp, chất lượng, có thể sử dụng lâu dài). Còn bản sao giấy tờ hộ tịch thì các địa phương tự tổ chức in và cấp phát cho người dân. “Tuy nhiên, đối với một số địa phương, nhất là những địa phương vùng sâu, vùng xa, do cơ sở vật chất, phương tiện làm việc còn chưa đáp ứng nhu cầu như không có máy in, máy photocopy để sử dụng hoặc có nhưng chất lượng các loại giấy in chưa đảm bảo dẫn đến bản sao giấy tờ hộ tịch dễ hư hỏng. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương bảo đảm chất lượng các loại giấy in bảo sao để có thể lưu giữ sử dụng lâu dài cho người dân”.
Tại bản trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Bộ Tư pháp cũng giải đáp nhiều thắc mắc của cử tri về công tác kiểm tra VBQPPL, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, bổ trợ tư pháp, việc nhập quốc tịch Việt Nam cho người nước ngoài và cho kiều bào, thủ tục công chứng giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất, xác minh điều kiện thi hành án….
Hồng Thúy