Đánh giá cao sự phối hợp
Trong nhiều năm liền, Tư pháp Tiền Giang được Bộ xếp hạng A, hạng xuất sắc so với tư pháp các địa phương khác trên toàn quốc. Nhiều mặt công tác như phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải ở cơ sở… đạt kết quả khá nổi bật. Hiện nay, “Ngày pháp luật” ở Tiền Giang được thực hiện rộng rãi tới tận các sở, ngành, đoàn thể, các phòng, ban, phường, xã…
Về công tác THADS, Tiền Giang là địa phương đứng thứ 3 cả nước ( chỉ sau Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh) về số lượng án cần thi hành. Trong 6 tháng đầu năm nay, THADS Tiền Giang có lượng án đưa ra thi hành là trên 20 ngàn việc, tính bình quân mỗi Chấp hành viên phải thi hành là trên 300 việc. Đây là áp lực rất lớn cho chấp hành viên.
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án, Đoàn Đại biểu Quốc hội… đều đánh giá cao sự phối hợp giữa Tư pháp, THADS với các cơ quan, ban ngành ở địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, những khó khăn trong công tác Tư pháp, THADS cũng là vấn đề mà lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang trăn trở.
Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh phản ánh: “Nhiều văn bản quy phạm pháp luật không có hướng dẫn thi hành khiến địa phương khó khăn trong việc áp dụng. Sở, ngành càng khó khăn hơn trong nguồn nhân lực nên thường chậm và không đạt yêu cầu”. Lấy dẫn chứng về có vụ khiếu kiện phức tạp kéo dài mười mấy năm trời chỉ vì những lý do rất đơn giản, nếu làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở từ đầu thì sẽ không xảy ra, Chủ tịch tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ có chủ trương về biên chế để các Sở, ngành của Tỉnh đều có phòng pháp chế, đồng thời quan tâm hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp, THADS trên địa bàn để công tác này ngày càng đạt hiệu quả tốt hơn.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc thì cho biết: Tiền Giang là địa phương có mức tăng trưởng trung bình so với các địa phương trong cả nước, toàn tỉnh có trên 4.500 doanh nghiệp, vì vậy: “Muốn có môi trường thủ tục thông thoáng để thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh thì Tư pháp phải vào cuộc”. Bí thư Trần Thế Ngọc cũng băn khoăn về tỷ lệ thi hành án trên địa bàn tỉnh còn thấp cả về việc và về tiền, mặc dù ngành THADS đã có nhiều cố gắng. “Phải chăng nên rà soát lại xem ở khâu nào để đánh giá đầy đủ chi tiết” – ông Trần Thế Ngọc gợi ý.
“Nếu cần thiết, tăng cường chấp hành viên từ nơi khác tới giúp”
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và các Sở, ban, ngành của Tiền Giang đối với công tác tư pháp, THADS trên địa bàn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận định: thời gian qua, công tác Tư pháp, THADS của Tiền Giang đã có nhiều chuyển biến, cơ bản bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, trọng tâm phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, góp phần cho sự phát triển chung của tỉnh. Điểm nổi bật là các mặt công tác xây dựng, kiểm tra VBQPPL, hành chính tư pháp, hộ tịch, công chứng… ngày càng đạt kết quả tốt. Tổ chức bộ máy Sở Tư pháp được kiện toàn. 100% Tư pháp cấp huyện có trình độ cử nhân luật. Về công tác THADS, việc phân loại án trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có nhiều tiến bộ, với gần 21 ngàn việc và trên 1.000 tỷ đồng. Qua phân loại, có trên 80% án có điều kiện thi hành, về tiền có điều kiện thi hành trên 92%. Bộ trưởng cũng đánh giá cao công tác phối hợp giữa Tư pháp, THADS với các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng đánh giá: “Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác Tư pháp và THA Tiền Giang đang có biểu hiện chững lại. Tỷ lệ THA 6 tháng đầu năm còn rất thấp so với cả nước. Một số mặt công tác còn hạn chế, bất cật như công tác theo dõi thi hành pháp luật còn chậm, việc triển khai Luật Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài còn trầm lắng. Công tác quản lý luật sư chưa chặt chẽ. Đội ngũ cán bộ tư pháp còn mỏng, có phòng chỉ có 2 đến 3 biên chế, trong khi dân đông, địa bàn rộng”.
Với tinh thần công việc của tư pháp, THADS ngày càng khó khăn phức tạp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường mong muốn lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và các Sở, ban, ngành của tỉnh Tiền Giang coi Tư pháp, THADS là công việc của cấp ủy và chính quyền địa phương. Từ đó, mong muốn Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện để công tác Tư pháp và THADS hoàn thành nhiệm vụ.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Tư pháp Tiền Giang nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật; triển khai tốt việc theo dõi thi hành pháp luật, nhất là những vấn đề nổi lên trên địa bàn, chuẩn bị tốt các điều kiện để tiếp nhận nhiệm vụ về quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính. Cùng với yêu cầu triển khai tốt Ngày pháp luật để người dân có điều kiện tiếp cận pháp luật tốt hơn, Bộ trưởng yêu cầu Tư pháp Tiền Giang nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hộ tịch, quan tâm triển khai Luật Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, tạo điều kiện cho sự phát triển của đội ngũ luật sư….
Đối với công tác THADS, Bộ trưởng yêu cầu phải khắc phục ngay tỷ lệ thi hành đạt thấp cả về việc và về tiền, “nếu thấy cần thiết thì cho tăng cường Chấp hành viên từ các địa phương khác tới giúp”.
Sau Tiền Giang, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng Đoàn công tác sẽ tiếp tục chuyến công tác tại tỉnh Long An.