Sáng 10/4, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Chương trình Đối tác tư pháp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư (Dự thảo Nghị định). Bà Đỗ Hoàng Yến – Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp và ông Nguyễn Văn Bốn – Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Bộ, ban, ngành ở Trung ương, các Sở Tư pháp, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư các tỉnh phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra).
Theo Dự thảo, Nghị định này sẽ thay thế Nghị định số 28/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Luật sư và Nghị định số 131/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành các quy định của Luật luật sư về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư. Như vậy, Luật Luật sư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư chỉ còn duy nhất 01 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, tránh tình trạng 03 Nghị định của Chính phủ cùng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 01 luật, dẫn đến tình trạng chồng chéo, áp dụng pháp luật không thống nhất, từ đó làm giảm tính khả thi của Luật Luật sư, khó theo dõi thi hành pháp luật làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước cũng như tổ chức và hoạt động luật sư. Phương án này được đã số các đại biểu tham dự Hội nghị đồng tình. Tuy nhiên, cũng còn ý kiến khác cho rằng nên xây dựng Dự thảo Nghị định riêng và tiến hành đồng thời rà soát một số quy định của Nghị định số 28/2007/NĐ-CP và Nghị định số 131/2008/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung những điều, khoản không phù hợp.
Một vấn đề được rất đông đại biểu góp ý là quy định về thù lao của luật sư khi tham gia tố tụng hình sự
tại Điều 16, Điều 17 của Dự thảo. Điều 10 Nghị định số 28/2007/NĐ-CP quy định mức trần thù lao của luật sư là 100.000 đồng/giờ khi luật sư tham gia vụ án hình sự (khoảng 18.5 % so với mức lương tối thiểu năm 2007) và 120.000 đồng/ngày khi luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng (khoảng 22% so với mức lương tối thiểu năm 2007). Đến nay, mức lương tối thiểu đã tăng (tăng 94.5%). Vì vậy, quy định mức trần thù lao như trên đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc cử luật sư tham gia tố tụng (theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng).
Dự thảo Nghị định lần này đã quy định nâng mức trần thù lao đối với luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự là 0,2 mức lương tối thiểu/giờ làm việc tại Điều 16 và đối với những vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu luật sư thì mức thù lao được trả cho luật sư là 0,3 mức lương tối thiểu/ngày làm việc tại Điều 17 nhằm đảm bảo sự phù hợp với yêu cầu thực tế, góp phần giải quyết những khó khăn, bất cập hiện nay trong việc huy động luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, vẫn còn có rất nhiều ý kiến trái chiều khác nhau về quy định này, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục xem xét để điều chỉnh cho phù hợp.
Quy định nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của luật sư là vấn đề mới được nêu lên trong Dự thảo Nghị định lần này. Theo đó, Liên đoàn luật sư Việt Nam sẽ quy định số giờ, cách thức thực hiện, quyền và nghĩa vụ của luật sư tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý và xử lý đối với luật sư vi phạm nghĩa vụ về trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội của luật sư, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho Liên đoàn luật sư Việt Nam ban hành quy định về nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của luật sư. Ý tưởng này nhận được sự đồng thuận của nhiều luật sư tham dự Hội nghị.
Một số vấn đề khác cũng được các đại biểu quan tâm cho ý kiến như tiêu chuẩn hành nghề của luật sư; nguyên tắc quản lý nhà nước và tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư; các vấn đề về luật sư và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam...