Hôm nay - 9/4, Bộ Tư pháp phối hợp với Tổ chức hợp tác tài chính quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo “Định hướng xây dựng Đề án thí điểm đăng ký tập trung các giao dịch bảo đảm (GDBĐ) và Đề án tổ chức quản lý, vận hành hệ thống dữ liệu quốc gia các GDBĐ với sự tham dự của nhiều đại biểu đến từ các Bộ, ngành, tổ chức tín dụng tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho rằng, thiết chế đăng ký giao dịch bảo đảm (ĐKGDBĐ) ngày càng hoàn thiện, đem lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, nhưng việc thực thi còn một số tồn tại cần khắc phục như trình tự chưa đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, chưa thực sự đơn giản, hiệu quả, chưa thúc đẩy người dân thực hiện ĐKGDBĐ khi thực hiện các giao kết, hợp đồng trong cuộc sống hàng ngày….
Vì thế, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp phối hợp các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng 2 đề án hướng tới mục tiêu đổi mới quy trình ĐKGDBĐ theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho công chúng tiếp cận cơ quan ĐKGDBĐ, xây dựng hệ thống đăng ký thống nhất trên cơ sở tích hợp các hệ thống đăng ký đang có, tăng cường tính công khai, minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin về tài sản bảo đảm như kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp về một mô hình đăng ký hiện đại, thân thiện và hiệu quả.
Theo ông Jinchang Lai (Giám đốc phụ trách khối cơ sở hạ tầng tài chính khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, IFC) đánh giá cao về những tiến triển mạnh mẽ thời gian qua trong cải cách liên quan đến GDBĐ và quản lý GDBĐ ở Việt Nam, giúp Việt Nam đứng thứ 40/185 về những chỉ số liên quan đến mức độ uy tín và tiếp cận tín dụng, trên cả Trung Quốc, Philippines, Indonesia (theo đánh giá và xếp hạng của các thiết chế tài chính quốc tế).
Qua việc phân tích những định hướng cho việc xây dựng Đề án thí điểm đăng ký tập trung các GDBĐ và tổ chức quản lý, vận hành hệ thống dữ liệu quốc gia các GDBĐ và kinh nghiệm của IFC trong việc triển khai các mô hình này tại một số nước, các đại biểu cũng đã phân tích những quan điểm về việc xây dựng mô hình cơ quan đăng ký tập trung và hệ thống dữ liệu thống nhất về GDBĐ, thực tiễn ĐKGDBĐ và tìm hiểu thông tin về ĐKGDBĐ, lợi ích của hệ thống ĐKGDBĐ từ góc độ quản lý nhà nước và từ góc độ các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng….
Các đại biểu đều cho rằng, xây dựng được hai Đề án này sẽ góp phần khắc phục tình trạng “ép” biện pháp hành chính đối với hoạt động đăng ký với những hệ thống đăng ký và thủ tục khác nhau nên không đem lại hiệu quả cho hệ thống đăng ký. Qua đó sẽ đưa hoạt động đăng ký về đúng vai trò là “mang tính công khai hóa thông tin về tài sản bảo đảm”…
H.Giang