Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng và tổng kết công tác chứng thực

12/03/2013
Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng và tổng kết công tác chứng thực
Sáng 12/3, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng và tổng kết công tác chứng thực tại 5 điểm cầu Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Yên Bái với sự tham gia của đại diện UBND, Sở Tư pháp một số địa phương, đại diện Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Ban chỉ đạo Cái cách tư pháp Trung ương, một số Bộ, ngành, đơn vị có liên quan, đại diện các Hội và Tổ chức hành nghề công chứng… Về phía Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính, Thứ trưởng Lê Hồng Sơn và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ cùng tham dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh: công chứng và chứng thực là hai chế định pháp luật quan trọng, có liên quan mật thiết đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp; đồng thời cũng là công cụ đắc lực phục vụ quản lý nhà nước. Việc ban hành Luật Công chứng năm 2006 và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký (Nghị định 79) là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật trong hai lĩnh vực này.

Qua hơn 5 năm triển khai Luật Công chứng, Nghị định 79 và các văn bản có liên quan, hoạt động công chứng, chứng thực đã có những bước chuyển biến rõ nét. Đối với hoạt động công chứng, chủ trương xã hội hóa đã được đón nhận với nhiều dấu hiệu tích cực. Thông qua hoạt động hành nghề của mình, các công chứng viên đã cơ bản đem lại an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch trong các lĩnh vực dân sự, kinh tế, thương mại, góp phần quan trọng vào bức tranh khởi sắc về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác chứng thực cũng dần đi vào nề nếp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; trình tự thủ tục thực hiện các việc về công chứng cũng thường xuyên được cải tiến theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người có yêu cầu chứng thực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức và hoạt động công chứng, chứng thực vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: cơ sở pháp lý chưa thực sự đồng bộ, đầy đủ; việc triển khai các quy định hiện hành còn thiếu thống nhất; công tác quản lý nhà nước còn có những sơ hở, lỏng lẻo… Những hạn chế này đã làm giảm đáng kể hiệu quả hoạt động công chứng và công tác chứng thực trong thời gian qua. Trong khi đó, trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế và khu vực, vai trò của hoạt động công chứng, chứng thực ngày càng trở nên quan trọng.

Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị Hội nghị phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề, nêu lên những kiến nghị, đề xuất, nhất là những ý kiến cụ thể về những giải pháp thực hiện tốt hơn nữa công tác công chứng, chứng thực cũng như xác định những định hướng lớn hơn nữa cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng và xây dựng Luật Chứng thực.

Hội nghị đã được nghe Dự thảo báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác chứng thực và Báo cáo xây dựng Luật Chứng thực và nghe công bố quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020. Các đại biểu tham dự Hội nghị đã trình bày các tham luận và tích cực thảo luận, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, thể hiện những suy nghĩ, trăn trở của mình và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm đẩy mạnh hiệu quả của hoạt động công chứng, chứng thực trong thời gian tới.

Nhân dịp này, Hội nghị cũng trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 33 tổ chức và 28 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác công chứng trong thời gian qua.