Công bố Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tư pháp giai đoạn 2011- 2020

19/12/2012
Công bố Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tư pháp giai đoạn 2011- 2020
Chiều qua - 18/12, Bộ Tư pháp đã công bố Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tư pháp giai đoạn 2011- 2020 và các quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ thư ký giúp việc thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tư pháp giai đoạn 2011-2020.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Văn Quảng cho biết, với mục tiêu “phát triển nguồn nhân lực ngành Tư pháp đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng và có cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và Chiến lược phát triển ngành Tư pháp đến năm 2020”, Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tư pháp giai đoạn 2011- 2020 được xây dựng cho các đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan tư pháp địa phương, các tổ chức pháp chế Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức bổ trợ tư pháp.

Theo đó, đến năm 2015, ngành Tư pháp ước tính phải tăng thêm 54.640 người so với hiện nay và đến năm 2020, sẽ tăng 48.340 người so với năm 2015. Để đạt được mục tiêu này, phương hướng và giải pháp phát triển nhân lực ngành Tư pháp được tập trung vào đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ; tuyển dụng nhân lực đã được đào tạo và tổ chức đào tạo mới; thu hút và giữ chuyên gia trình độ cao và nhân tài; phát triển các cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên và đổi mới nội dung hoặc các chế độ ưu đãi khác; hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực bên cạnh đào tạo “tại chỗ” theo hình thức “truyền nghề” giữa các thế hệ cán bộ; đảm bảo vốn cho phát triển nhân lực.

Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tư pháp giai đoạn 2011-2020 - Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đề nghị, thời gian tới, Ban Chỉ đạo phải rà soát nhu cầu cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng kế hoạch bổ sung, bồi dưỡng đào tạo cán bộ của ngành năm 2013 đáp ứng các nhiệm vụ mới theo yêu cầu công việc, có tính đến việc đào tạo cán bộ chiến lược, bài bản, tránh tình trạng đào tạo “chắp vá” để “chuyển hóa” cán bộ từ vị trí này sang vị trí khác. Đồng thời cũng là cơ sở để các cơ sở đào tạo của Bộ xây dựng năng lực đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ cho ngành theo từng năm và từng giai đoạn./.

H.Giang


Hồng Minh