Trong khuôn khổ hoạt động của Dự án “Tăng cường khuôn khổ pháp luật nhằm thực hiện các cam kết với WTO” (B WTO) và được sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID/STAR Plus), Bộ Tư pháp tổ chức chuyến khảo sát về kinh nghiệm giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ từ ngày 25/11/2012 đến ngày 30/11/2012.
Đoàn Khảo sát do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long dẫn đầu với sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, Vụ Pháp luật quốc tế và Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế - Bộ Tư pháp.
Trong 5 ngày làm việc tích cực tại thủ đô Washtington DC và thành phố New York, Đoàn khảo sát đã có các cuộc gặp, trao đổi với đại diện các cơ quan chính quyền liên bang thay mặt cho Chính phủ Hoa Kỳ giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư quốc tế (Cơ quan đại diện thương mại và Bộ Ngoại giao Hoa kỳ). Đoàn cũng đã có các cuộc gặp và trao đổi với Trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ICSID của Ngân hàng Thế giới, Hiệp hội trọng tài Hoa Kỳ, Tòa thương mại quốc tế, Tòa án Quận Nam New York và một số hãng luật nổi tiếng về giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư quốc tế, bao gồm: Hãng luật Arnold & Porter; Hãng luật White and Case; Hãng luật Weil, Gotshal & Manges LLP.
Nội dung cuộc trao đổi với Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) và Bộ Ngoại giao Hoa kỳ tập trung vào: (i), Kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong việc phòng ngừa và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế; Mô hình, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đầu mối được đặt tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong việc giúp Chính phủ Hoa Kỳ giải quyết các tranh chấp giữa Chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài; (ii), Mô hình, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan đại diện Thương mại trực thuộc Phủ Tống thống Hoa Kỳ trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. (ii), Kinh nghiệm và thực tiễn của Hoa Kỳ trong việc điều phối, phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ cấp liên bang và các cơ quan thuộc chính quyền bang trong phòng ngừa và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế; (iii), Cơ chế tuyển dụng và đào tạo các công chức của Chính phủ tham gia vào việc phòng ngừa và giải quyết tranh chấp;
Nội dung làm việc với Trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (ICSID) thuộc Ngân hàng thế giới để tìm hiểu về: (i) cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư giữa Chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài theo cơ chế của ICSID; (ii) Những thuận lợi, thách thức của việc gia nhập và cơ chế đặc biệt của việc thực thi các phán quyết của trọng tài ICSID; (iii) Những hỗ trợ của ICSID với quốc gia thành viên và (iv) Cơ hội cử đại diện của Việt Nam tham gia học tập, thực hành tại trung tâm ICSID.
| |
Cuộc gặp và trao đổi với các hãng luật nổi tiếng của Hoa Kỳ tập trung tìm hiểu: (i) kinh nghiệm của các quốc gia khác, đặc biệt là một số quốc gia đang phát triển trong việc tìm kiếm các hỗ trợ pháp lý từ các hãng luật tư vấn cho Chính phủ trong các tranh chấp đầu tư quốc tế; (ii) Kinh nghiệm và thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế qua một số vụ việc tiêu biểu mà các hãng luật này là đại diện cho các quốc gia đang phát triển; (iii) Những khuyến nghị đối với cơ chế phối hợp của các cơ quan Chính phủ trong việc giải quyết tranh chấp.
Trong thời gian 01 ngày làm việc tại thành phố New York, Đoàn đã có các cuộc gặp với các cơ quan tư pháp Hoa Kỳ bao gồm: Tòa án thương mại quốc tế và Tòa án quận Nam New York. Nội dung trao đổi tập trung vào việc tìm hiểu mô hình cơ quan tư pháp Hoa Kỳ, thẩm quyền của các cơ quan này trong việc giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế theo pháp luật Hoa Kỳ.
Cuộc gặp với Hiệp hội trọng tài Hoa Kỳ đã cung cấp cho Đoàn các thông tin về cơ chế tuyển chọn, đào tạo trọng tài viên của Hiệp hội và những khuyến nghị từ kinh nghiệm của họ dành cho các khách hàng trong lựa chọn trọng tài viên giải quyết tranh chấp đầu tư, thương mại quốc tế. Đoàn cũng đã trao đổi về khả năng mở rộng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nhân lực với Hiệp hội trọng tài Hoa Kỳ.
Trong 5 ngày làm việc với lịch trình dày đặc và các cuộc trao đổi sâu về chuyên môn, những kinh nghiệm, thông tin Đoàn thu được thông qua các cuộc trao đổi với các cơ quan/tổ chức nêu trên của Hoa Kỳ được đánh giá rất cao và thiết thực. Các thông tin, kinh nghiệm nêu trên sẽ được Vụ Pháp luật quốc tế tiếp tục nghiên cứu và áp dụng sáng tạo vào đề xuất của Bộ Tư pháp với Chính phủ trong xây dựng và ban hành văn bản về mô hình cơ quan đầu mối và cơ chế phối kết hợp của các cơ quan nhà nước ở trung ương cũng như với chính quyền địa phương của Việt Nam trong việc phòng ngừa và giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả.
Nguyễn Thị Nhung - Vụ Pháp luật quốc tế