Quản lý dân cư: Không để dân phải “bơi” trong “biển” giấy tờ!

04/12/2012
Quản lý dân cư: Không để dân phải “bơi” trong “biển” giấy tờ!
Giảm bớt giấy tờ tùy thân và đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến giấy tờ hộ tịch để thuận tiện cho người dân và thống nhất cho công tác quản lý dân cư là mục tiêu để xây dựng đề án quản lý dân cư được thống nhất tại cuộc họp do Bộ Tư pháp chủ trì sáng nay (4/12).

Mỗi người phải “vác” 15 loại giấy tờ

Theo ông Nguyễn Công Khanh (Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp – Bộ Tư pháp), quản lý dân cư là hoạt động quan trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều Bộ, ngành và chính quyền các cấp. Nên mỗi Bộ, ngành chỉ quản lý một số thông tin nhất định về dân cư nhằm phục vụ mục đích riêng của Bộ, ngành. Hiện tổ chức lưu giữ các thông tin về dân cư còn tản mát, gián đoạn, chưa ứng dụng công nghệ thông tin đầy đủ, toàn diện, kém hiệu quả, hệ thống các thông tin còn độc lập với nhau, một số chỉ tiêu thông tin không thống nhất hoặc có sự trùng lặp, gây lãng phí về kinh phí, con người, thời gian. Vì thế, việc xây dựng một bộ cơ sơ dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức là một yêu cầu tất yếu cần thiết và có tính khách quan.

Ước tính, hiện ở Việt Nam mỗi người có khoảng 15 loại giấy tờ tùy thân, trong khi nhiều nước chỉ có 1 loại, có thể dùng cả trong và ngoài nước. Vì thế, “Bộ Tư pháp lâu nay rất “mệt” vì câu chuyện “vênh váo” thông tin giữa các giấy tờ tùy thân, hộ tịch của công dân nên cần tìm 1 mẫu số chung là số định danh công dân (1 đầu vào), từ đó các cơ quan ban ngành lấy để cấp các thông số khác, không bắt người dân phải đi đăng ký nhiều lần cho các loại giấy tờ, tránh mỗi lần đăng ký 1 kiểu” - ông Trần Thất (Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp – Bộ Tư pháp).

Dự án Luật Hộ tịch đã đề cập đến vấn đề xác định cấp số định danh cho công dân, dùng suốt đời và được cấp khi đăng ký khai sinh, thay vì cấp rất nhiều loại số, mã số cho công dân như hiện nay. Số định danh sẽ sử dụng chung cho các Bộ, ngành trong việc cấp các thông tin quản lý chuyên ngành. Đồng thời, xây dựng chức danh hộ tịch viên và chỉ kiêm nhiệm ở những địa phương còn khó khăn, chưa thể có cán bộ hộ tịch chuyên trách. Đại diện các Bộ, cơ quan liên quan cũng nhất trí “phải đơn giản hóa thủ tục đầu vào mới giảm bớt đầu ra” trong công tác quản lý dân cư.

1 loại giấy tờ hộ tịch cho mỗi người

Dự kiến, đề án quản lý dân cư sẽ xem xét giải pháp để tích hợp các dữ liệu cá nhân, nhất là về hộ tịch xuất phát từ giấy khai sinh – giấy tờ gốc - để kết nối với thông tin từ các bộ, ngành nhằm cắt giảm các loại giấy tờ hộ tịch theo hướng chỉ cấp 1 loại giấy tờ hộ tịch cho công dân (chứng thư hộ tịch) và thiết lập 1 hệ thống CSDLQG để quản lý hộ tịch, cập nhật mọi di/biến động của cá nhân để tạo điều kiện cho người dân cũng như công tác quản lý dân cư của các cơ quan nhà nước.

Qua đó, nhằm tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý dân cư theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế chung của quốc tế, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về chất lượng và hiệu quả hoạt động quản lý dân cư, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, tạo thuận lợi và tăng cường bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Hoàn thiện thể chế về quản lý dân cư, thống nhất để khắc phục sự quản lý trùng lắp, mâu thuẫn, thiếu thông tin về dân cư, bảo đảm có 1 cơ quan quản lý thống nhất CSDLQG về dân cư, các cơ quan khác có trách nhiệm xây dựng, cập nhật và chia sẻ, kết nối dữ liệu chuyên ngành liên quan về dân cư do cơ quan quản lý đến CSDLQG về dân cư.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, Đề án không chỉ phục vụ cho việc xây dựng dự thảo Luật Hộ tịch mà để tạo thuận lợi nhất cho người dân trong việc quản lý giấy tờ tùy thuân, xác định các loại giấy tờ cần thiết cho cuộc đời mỗi người, giấy tờ chuyên ngành có liên quan, giấy tờ hộ tịch gốc, kết nối các giấy tờ đó với nhau để đơn giản hóa thủ tục, dữ liệu, hướng đến tiết kiệm, chống lãng phí… Đó cũng là những bước đột phá liên quan trực tiếp đến người dân, phải có sự nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, “các nước làm được thì ta cũng phải làm được”.

Đề án được giao cho Bộ Tư pháp chủ trì và dự kiến trình Chính phủ, Quốc hội trong năm 2013./.

H.Giang, ảnh Cục CNTT


Thái Nguyên