Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh, những kết quả bước đầu đạt được qua 5 năm thực hiện Luật Công chứng đã khẳng định chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng là hết sức đúng đắn, tạo điều kiện cho việc phát triển tổ chức và hoạt động công chứng của Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp hóa và trở thành một trong những dịch vụ công có vai trò tăng cường sự bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu hút đầu tư nước ngoài, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ của hoạt động công chứng trong khu vực và thế giới. Song, trước yêu cầu thực tiễn của hoạt động công chứng theo xu hướng xã hội hoá, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động này, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Công chứng năm 2006 là rất cần thiết.
Báo cáo định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng, bà Đỗ Hoàng Yến (Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp) cho biết, với việc triển khai thi hành Luật Công chứng 2006, đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng ở nước ta đã và đang phát triển nhanh về số lượng, tính chuyên nghiệp của hoạt động hành nghề cũng từng bước được nâng cao. Tính đến nay, toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã thành lập Phòng công chứng, 59/63 tỉnh, thành phố có Văn phòng công chứng (các tỉnh còn lại là Bắc Cạn, Lai Châu, Tuyên Quang), nâng tổng số tổ chức hành nghề công chứng trong cả nước lên con số 628, gồm 138 Phòng công chứng và 490 Văn phòng công chứng. Lai Châu là địa phương có số tổ chức hành nghề công chứng ít nhất (01 Phòng công chứng), một số địa phương khác mặc dù hoạt động công chứng chưa thực sự phát triển song cũng có từ 3 đến 5 tổ chức hành nghề công chứng, như Bắc Cạn, Bến Tre, Hà Giang, Quảng Bình.... Hà Nội là địa phương dẫn đầu trong cả nước với 96 tổ chức hành nghề công chứng, tiếp theo đó là thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hoá, Đồng Nai, Hải Phòng.... Số lượng công chứng viên cũng tăng lên rất nhanh và đã đạt con số 1133 công chứng viên được bổ nhiệm tính đến hết tháng 10/2012 với gần 2/3 số công chứng viên đang hành nghề trong các Văn phòng công chứng.
|
Không chỉ tăng lên về số lượng, chất lượng đội ngũ công chứng viên cũng có những tiến bộ đáng kể, quy mô và tính chuyên nghiệp của các tổ chức hành nghề công chứng cũng được nâng cao rõ rệt. Nhờ đó, hoạt động công chứng trên thực tế đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của người dân, giúp ngăn ngừa rủi ro, giảm thiểu các tranh chấp pháp lý phát sinh.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng cho thấy hoạt động công chứng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục, cụ thể là: Đội ngũ công chứng viên tuy đông nhưng chất lượng chưa đồng đều dẫn đến việc công chứng trong một số trường hợp chưa thực sự chính xác, khách quan. Mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng chưa phát triển rộng khắp trong toàn quốc mà chỉ tập trung tại những tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; tổ chức của một số Văn phòng công chứng còn chưa chặt chẽ, đặc biệt là những Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập.
|
Nguyên nhân quan trọng của những hạn chế, bất cập nêu trên là do sự chưa hoàn thiện của các quy định pháp luật về công chứng. Cụ thể là các quy định của Luật Công chứng hiện hành về tổ chức, hoạt động và quản lý Nhà nước về công chứng còn chưa đầy đủ, cụ thể. Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chứng viên chưa phù hợp, yêu cầu nâng cao kiến thức chuyên môn chưa trở thành bắt buộc đối với công chứng viên đang hành nghề. Quy định về quản lý Nhà nước còn một số điểm sơ hở, chưa làm rõ được cơ chế trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong quản lý hoạt động công chứng, chưa có cơ chế phù hợp để hoạt động công chứng phát huy được vai trò tự quản và nghiêm chỉnh thực hiện quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, quyền lợi của công chứng viên chưa được bảo đảm khi gặp những rủi ro nghề nghiệp.
Để khắc phục những vấn đề còn tồn tại, hạn chế và phát huy vai trò hoạt động công chứng, một số Điều của Luật Công chứng mang tính cấp bách, cần thiết nhất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc lớn về thể chế cần được sửa đổi, bổ sung để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho tổ chức và hoạt động công chứng. Xây dựng đội ngũ công chứng viên đủ về số lượng, vững về chuyên môn, có đạo đức và uy tín nghề nghiệp. Phát triển mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng rộng khắp trên toàn quốc theo một quy hoạch thống nhất, cải tiến cách thức tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và quy mô lớn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với chất lượng dịch vụ công chứng, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách tư pháp, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công chứng, có các quy định phân cấp hợp lý trong quản lý nhà nước về hoạt động công chứng, đồng thời có những điều chỉnh nhất định để bảo đảm sự điều hành thông suốt từ trung ương đến cơ sở. Quy định cơ chế liên thông, phối hợp giữa tổ chức hành nghề công chứng với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Tạo điều kiện đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng, thúc đẩy việc thành lập và hoạt động của tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng viên tại các địa phương và trong phạm vi toàn quốc, nâng cao vai trò của tổ chức này đối với hoạt động công chứng nhằm chia sẻ gánh nặng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công chứng.
|
Trên cơ sở đó, các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung thảo luận về định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng như phạm vi điều chỉnh, điều kiện công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng,việc chuyển giao thẩm quyền chứng nhận hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp huyện, cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng, quản lý nhà nước về công chứng, cơ chế liên thông giữa tổ chức hành nghề công chứng với cơ quan, tổ chức có liên quan, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng viên... và một số vấn đề khác. Đây sẽ là những gợi ý cho ban soạn thảo trong quá trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng.
H.Giang