Sau khi làm việc với ông Bileichic A.V, Thứ trưởng thứ nhất và các cơ quan chuyên môn của Bộ Tư pháp Belarus, Đoàn đã đến thăm và làm việc với Liên đoàn Luật sư, Trung tâm giám định tư pháp và kỹ thuật hình sự, Nhà Tư pháp, Cung đăng ký kết hôn, Phòng công chứng số 1 thành phố Minsk.
Tại buổi làm việc với Liên đoàn luật sư Belarus, Đoàn công tác đã được giới thiệu về bộ máy, cơ cấu tổ chức của Liên đoàn, đồng thời trao đổi kinh nghiệm thực tiễn hoạt động của Liên đoàn và Đoàn Luật sư các tỉnh, điều kiện hành nghề và quy trình cấp chứng chỉ hành nghề đối với luật sư… Sau đó, Đoàn công tác đã đến thăm một Văn phòng luật sư thuộc Đoàn luật sư thành phố Minsk.
Liên đoàn Luật sư Cộng hòa Bê-la-rút bao gồm Đoàn Luật sư các tỉnh và thành phố Minsk, được thành lập năm 1997 và hoạt động trên cơ sở Điều lệ. Liên đoàn Luật sư đại diện và bảo vệ lợi ích các luật sư trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước và các tổ chức khác, phối hợp hoạt động của các Đoàn luật sư, thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý. Cơ cấu tổ chức: Lãnh đạo Liên đoàn gồm Chủ tịch Liên đoàn và 01 Phó Chủ tịch; Hội đồng Luật sư toàn quốc gồm 14 thành viên, trong đó mỗi Đoàn luật sư tỉnh có 2 đại diện; Ủy ban kỷ luật gồm 7 thành viên; Ủy ban kiểm soát gồm 7 thành viên. Luật sư có thể hoạt động ở Văn phòng tư vấn pháp luật, Văn phòng luật sư hoặc với tư cách cá nhân và phải tham gia một Đoàn luật sư nhất định. Văn phòng luật sư có tư cách pháp nhân, hoạt động theo lĩnh vực đã đăng ký, không bắt buộc phải là thành viên Đoàn luật sư. Văn phòng tư vấn pháp luật phải là thành viên của Đoàn luật sư.
Làm việc với Trung tâm giám định tư pháp và kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Tư pháp, Đoàn đã được thông tin về các hoạt động chính của Trung tâm. Với khoảng 230 cán bộ nhân viên, trong đó có 70 nhà khoa học và 100 giám định viên thực hiện các hoạt động như: (i) Thực hiện giám định các vụ việc hình sự, dân sự, vi phạm hành chính, các tranh chấp kinh tế; (ii) Tổ chức nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự và giám định tư pháp; xây dựng các phương pháp hiện đại, chế tạo các phương tiện kỹ thuật để tiến hành các nghiên cứu giám định; (iii) Áp dụng công nghệ thông tin và hệ thống điều kiển tự động tiên tiến vào các công trình nghiên cứu khoa học và nghiên cứu giám định, vào hoạt động của các cơ quan tư pháp và tòa án; (iv) Thực hiện hợp tác quốc tế; (v) Tiến hành các nghiên cứu khoa học, giám định, tư vấn và các hoạt động khác phù hợp với mục đích của Trung tâm, theo thỏa thuận với pháp nhân và thể nhân.
Trung tâm giám định thuộc Bộ Tư pháp là một trong 3 Trung tâm giám định tư pháp của Belarus, ngoài ra còn có 01 Trung tâm giám định pháp y trực thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, 01 Trung tâm giám định kỹ thuật hình sự trực thuộc Bộ Nội vụ. Trao đổi với Đoàn, đại diện Trung tâm nhận xét rằng, do 3 Trung tâm trực thuộc 3 cơ quan khác nhau đã dẫn đến nhiều vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thực hiện cũng như trong quản lý nhà nước. Phía bạn đang nghiên cứu đề xuất tập trung thống nhất quản lý nhà nước đối với các Trung tâm này về một đầu mối là Bộ Tư pháp. Lĩnh vực giám định tư pháp của Belarus được đánh giá là có chất lượng tốt nhất trong các nước cộng đồng SNG trước đây.
Tại Cung (Nhà) đăng ký kết hôn của thành phố Minsk do Sở Tư pháp thành phố quản lý, Thứ trưởng Lê Hồng Sơn thay mặt Đoàn công tác ghi Sổ lưu niệm của Cung đăng ký kết hôn. Đoàn đã nghe giới thiệu về quy trình, cách thức tổ chức nghi lễ đăng ký kết hôn và trực tiếp tham dự một nghi lễ kết hôn giữa công dân Việt Nam và công dân Belarus. Từ khi thành lập đến nay (năm 1965), Cung đăng ký kết hôn đã tổ chức đăng ký cho trên 165.000 trường hợp. Mỗi cặp vợ chồng khi đăng ký kết hôn tại đây, nếu có nhu cầu sẽ được Cung đăng ký kết hôn tổ chức một Lễ kết hôn đơn giản, trang trọng theo phong tục truyền thống của người Belarus. Cung đăng ký kết hôn cũng thực hiện các dịch vụ theo nhu cầu của người dân như tổ chức lễ kỷ niệm nhân ngày cưới của các cặp vợ chồng, có thu phí.
|
Làm việc với Phòng Công chứng số 1 thành phố Minsk, Đoàn được nghe giới thiệu về quy trình hoạt động công chứng, chứng thực. Ở những địa phương không có tổ chức hành nghề công chứng (công chứng nhà nước và công chứng tư) thì việc công chứng, chứng thực được giao cho cơ quan hành chính nhà nước cấp cơ sở thực hiện. Công chứng nhà nước và công chứng tư có thẩm quyền như nhau, đều thay mặt nhà nước thực hiện công chứng và sử dụng dấu quốc huy. Các cơ quan đại diện ngoại giao không công chứng hợp đồng liên quan đến bất động sản trên đất Belarus. Thẩm quyền của cán bộ thực hiện công chứng ở cấp cơ sở thu hẹp hơn, chỉ thực hiện chứng thực các việc như: thỏa thuận liên quan đến tài sản chung, di chúc, ủy quyền, chứng thực chữ ký người dịch, chứng thực bản sao nhưng không được sử dụng ở nước ngoài. Trong quá trình tác nghiệp, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường: đối với thiệt hại do công chứng viên nhà nước gây ra thì Sở Tư pháp có trách nhiệm bồi thường; do công chứng tư gây ra thì Hiệp hội công chứng có trách nhiệm bồi thường (từ tiền bảo hiểm nghề nghiệp); do nhân viên cấp cơ sở gây ra thì tiền bồi thường được trích từ ngân sách nhà nước.
Đối với việc chứng thực chữ ký người dịch, danh sách và toàn bộ dữ liệu của dịch thuật viên được lưu trữ tại Phòng công chứng số 1 của mỗi tỉnh. Phòng Công chứng số 1 có trách nhiệm thông báo danh sách dịch thuật viên tới các tổ chức hành nghề công chứng khác. Dịch thuật viên không phải trải qua kỳ thi, chỉ cần chứng minh trình độ của mình đối với tiếng nước ngoài sẽ dịch. Dịch thuật viên có thể hành nghề với tư cách cá nhân hoặc pháp nhân, đối với những người hành nghề chuyên nghiệp thì phải đăng ký kinh doanh và đóng thuế. Những người hành nghề nghiệp dư phải đăng ký với công chứng viên và chỉ được thực hiện chứng thực chữ ký một lần. Dịch thuật viên có thể đăng ký chữ ký và khi thực hiện dịch thì ký vào bản dịch để công chứng viên so sánh với chữ ký đã đăng ký trước khi chứng thực; nếu không đăng ký chữ ký thì phải đến ký trước mặt công chứng viên.
|
Trước khi về nước, ngày 06/10/2012, Thứ trưởng Lê Hồng Sơn và Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Belarus. Tại buổi làm việc, Đại sứ Đỗ Văn Mai đã thông tin cho Đoàn về tình hình quan hệ hợp tác giữa hai nước, kết quả giải quyết các việc về hộ tịch, quốc tịch và chứng thực cho cộng đồng người Việt đang làm ăn, sinh sống, học tập tại Cộng hòa Belarus. Thứ trưởng Lê Hồng Sơn đã phát biểu đánh giá cao những kết quả tích cực trong công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực của Đại sứ quán; đồng thời thông tin cho Đại sứ biết về kết quả tốt đẹp của chuyến công tác này.