Cần tăng cường vai trò tham mưu của cơ quan Tư pháp

14/09/2012
Cần tăng cường vai trò tham mưu của cơ quan Tư pháp
Tiếp tục dẫn đầu Đoàn kiểm tra liên ngành, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền – Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng (HĐPH) ở Trung ương, hôm qua có buổi làm việc với HĐPH tỉnh Bắc Kạn để kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định về TGPL trong hoạt động tố tụng (TTLT số 10).

Phải sử dụng kinh phí đặc thù của Trung tâm TGPL

Thống kê qua 5 năm triển khai TTLT số 10 tại Thái Nguyên cho thấy, trong tổng số 9.852 vụ việc thì có 438 vụ việc thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng. Có thể nói, “TTLT số 10 ra đời đã thống nhất được phương pháp và cách thức phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng, giải quyết được những bất cập và hạn chế trong việc tham gia của luật sư (LS), trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) vào các hoạt động tố tụng” như nhận định của Phó Giám đốc Sở Tư pháp Vũ Duy Hiển.

Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, một số cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chưa nhận thức và thực hiện đầy đủ các quy định trong TTLT số 10 và Quy chế hoạt động của HĐPH. Chất lượng vụ việc TGPL còn chưa đồng đều…

Phó Giám đốc Công an tỉnh Đặng Đức Đang thừa nhận, mặc dù đã được cung cấp tờ gấp pháp luật, mẫu đơn đề nghị TGPL tại các đơn vị trong ngành nhưng công dân vẫn chưa được tiếp cận nhiều.

Bên cạnh đó, các thành viên Đoàn kiểm tra nhận thấy, số liệu thống kê của HĐPH tỉnh còn sơ sài hay việc sử dụng nguồn kinh phí đặc thù của Trung tâm TGPL cho các hoạt động của HĐPH đã ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động cụ thể của công tác TGPL…

Tiến tới thanh toán đầy đủ các chi phí thực tế

Xuất phát từ những vướng mắc, bất cập trên, ông Hiển kiến nghị HĐPH ở Trung ương đề xuất với cơ quan có thẩm quyền bổ sung các quy định pháp luật tố tụng về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc hướng dẫn, giải thích quyền được TGPL của người được TGPL, giới thiệu người được TGPL đến tổ chức thực hiện TGPL để được TGPL miễn phí; sửa đổi Thông tư liên tịch số 81/2008/TTLT-BTP-BTC hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan TGPL nhà nước…

Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Phan Thanh Long cho rằng cần quan tâm hơn đến chế độ bồi dưỡng cho LS cộng tác viên bởi nếu “bảo vệ cho đối tượng bị truy tố chung thân, tử hình cũng cào bằng 120 nghìn đồng/ngày như bảo vệ cho đối tượng chỉ cải tạo không giam giữ” thì khó khuyến khích LS tham gia TGPL.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐPH - Giám đốc Sở Tư pháp Thái Nguyên Nguyễn Hùng Tráng quan niệm, tham gia TGPL thể hiện trách nhiệm xã hội cao cả của LS nên khoản bồi dưỡng tạm coi mang tính chất “tượng trưng” mà quan trọng là cần đảm bảo thanh toán được đầy đủ các khoản chi phí thực tế như đi lại, ăn ở…

Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đánh giá cao những kết quả đạt được của hoạt động phối hợp TGPL trong tố tụng, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế đòi hỏi phải khắc phục trong thời gian tới để triển khai tốt hơn nữa TTLT số 10 tại Thái Nguyên. Ghi nhận các kiến nghị của đại diện các cơ quan thành viên HĐPH tỉnh sẽ được báo cáo HĐPH ở Trung ương, Thứ trưởng cũng nêu lên một số yêu cầu của Đoàn kiểm tra liên ngành đối với tỉnh.

Cụ thể là, cần tiếp tục duy trì công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức, người dân về hoạt động TGPL trong tố tụng; từng ngành cần ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cũng như tích cực bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ và chú trọng hơn đến công tác thống kê. Ngoài ra, bên cạnh sự chủ động phối hợp giữa các ngành thì cần tăng cường vai trò của cơ quan thường trực – Sở Tư pháp – trong nhiệm vụ tham mưu cho HĐPH tỉnh.

Theo phapluatvn.vn