Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, đại diện các Sở Tư pháp Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh…, đại biểu của Tòa án một số tỉnh, đại biểu đến từ các trường đại học giảng dạy về luật và các đại biểu đến từ các bộ, ngành khác.
Tòa án hình sự quốc tế (ICC) được thành lập vào năm 1998 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/7/2002 khi đã có đủ số quốc gia phê chuẩn. Hiện nay, số quốc gia thành viên của ICC đã là 121 quốc gia. Quy chế Rome về ICC là một điều ước quốc tế đa phương, đồ sộ về quy mô và phức tạp về nội dung. Tuy nhiên, đây lại là một trong những điều ước quốc tế đa phương sớm có hiệu lực nhất, chỉ mất 04 năm để có hiệu lực kể từ khi được thông qua vào năm 1998, cho thấy tầm quan trọng và vai trò của ICC trong việc thúc đẩy và duy trì hòa bình trên thế giới. Xuất phát từ vị trí, tính chất của ICC, phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Việt Nam đã tham gia tích cực vào quá trình thành lập ICC từ những ngày ban đầu. Tuy nhiên, việc thực hiện Quy chế Rome đòi hỏi những điều kiện tương đối khắt khe, có thể ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung hệ thống luật pháp. Do vậy, trong thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung của Quy chế này, chuẩn bị các các điều kiện cần thiết trước khi xem xét, quyết định việc gia nhập.
Hội thảo đã được nghe chuyên gia đến từ ICC là bà Eleni Chaitidou trình bày về lịch sử phát triển, cơ cấu tổ chức, chức năng, thẩm quyền, trình tự thủ tục tố tụng của ICC, các vụ việc mà ICC đã và đang xét xử cùng với ông Harry Roque-Giám đốc Viện nghiên cứu pháp luật quốc tế, Đại học Phillipine trình bày về kinh nghiệm của Phillipine trong việc gia nhập ICC.
Bên cạnh phần trình bày của các chuyên gia quốc tế, Hội thảo cũng có sự tham gia và trình bày của các diễn giả đến từ Bộ Ngoại giao, Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật Đại học quốc gia Hà Nội về các nội dung như những khó khăn, thách thức và triển vọng đối với ICC; kinh nghiệm của một số nước trong việc gia nhập Quy chế Rome; những khó khăn và thách thức của một số quốc gia trong việc gia nhập Quy chế Rome, pháp luật hình sự và tố tụng hình sự của Việt Nam so với Quy chế Rome.
Qua việc trao đổi, thảo luận, các chuyên gia và đại biểu tham dự đã nêu lên và làm rõ một số vấn đề như tính độc lập của ICC; quyền tài phán của ICC đối với những cá nhân ở những nước không phải là thành viên của ICC, lý giải nguyên nhân các lệnh bắt giữ chưa được thực thi cũng như những biện pháp xử lý khi các quốc gia thành viên không hợp tác với ICC trong quá trình tiến hành các thủ tục tố tụng các vụ án cụ thể… Thông qua Hội thảo này, các cán bộ, nhà nghiên cứu Việt Nam tham dự Hội thảo đã có được những thông tin hữu ích về thực tiễn hoạt động của Tòa án Hình sự Quốc tế, phục vụ cho việc tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa khả năng, gia nhập Quy chế Rome về ICC của Việt Nam.
Phòng Công pháp quốc tế và các vấn đề về Nhân quyền -Vụ Pháp luật quốc tế