Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thứ nhất

13/07/2012
Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thứ nhất
Chiều 12/7, Bộ Tư pháp đã tổ chức phiên họp thứ nhất Hội đồng khoa học để làm lễ chia tay thành viên Hội đồng khoa học nhiệm kỳ 2004 – 2011, kiện toàn nhân sự Hội đồng khoa học nhiệm kỳ 2012 – 2016 và bàn phương hướng, kế hoạch hoạt động của Hội đồng khoa học Bộ trong thời gian tới. Bộ trưởng Hà Hùng Cường – Chủ tịch Hội đồng khoa học chủ trì phiên họp.

Theo giới thiệu của Viện Khoa học pháp lý, Hội đồng khoa học đã nhất trí bầu Thứ trưởng Hoàng Thế Liên là Phó Chủ tịch thường trực, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Lê Hồng Hạnh là Phó Chủ tịch, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Võ Đình Toàn là Thư ký Hội đồng khoa học nhiệm kỳ 2012 - 2016. Báo cáo dự kiến kế hoạch hoạt động của Hội đồng từ nay đến cuối năm, Viện trưởng Lê Hồng Hạnh cho biết sẽ còn họp 3 phiên định kỳ để thảo luận về những vấn đề cơ bản của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và tổng kết công tác năm. Ngoài ra cũng sẽ có một số phiên họp bất thường do Chủ tịch triệu tập hoặc 2/3 thành viên Hội đồng đề nghị triệu tập để cho ý kiến về những vấn đề cấp bách trong hoạt động xây dựng pháp luật của Bộ, ngành.

 

 

Một số thành viên Hội đồng như Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Dương Đăng Huệ và Thứ trưởng Lê Thành Long thì đề xuất cần lưu ý những Dự án Luật lớn, phức tạp như Dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất).

Chia tay với các đồng chí thành viên Hội đồng khoa học nhiệm kỳ trước, Bộ trưởng cảm ơn vì sự đóng góp của họ cho hoạt động chung của Hội đồng khoa học nhiệm kỳ 2004 – 2011. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý trong nhiệm kỳ mới phải rút kinh nghiệm nhiệm kỳ trước, các hoạt động của Hội đồng cần xác định trọng tâm, trọng điểm, kế hoạch hoạt động năm.

 

 

Về các phiên họp định kỳ, Bộ trưởng cho rằng, nếu cần thiết thì tổ chức phiên họp thảo luận cả 2 Bộ luật Hình sự và Dân sự để kịp thời cung cấp cơ sở lý luận cho Bộ báo cáo Chính phủ. Bộ trưởng cũng tán thành việc phải ưu tiên cho những Dự án Luật lớn, phức tạp cũng như một số vấn đề quan trọng của ngành như Chiến lược phát triển ngành Tư pháp, đòi hỏi có sự tham gia của Hội đồng.

 

 

Cẩm Vân


Cục CNTT