Đoàn kiểm tra đã làm việc với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đại diện các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, tổ chức hành nghề công chứng, các tổ chức tín dụng nắm bắt tình hình quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương; đồng thời đoàn công tác đã lắng nghe, giải đáp một số vướng mắc nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập cho địa phương trong thực tiễn áp dụng pháp luật về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm. Tiếp sau đó, Đoàn công tác đã tổ chức kiểm tra hoạt động đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Phú Thọ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Thanh Sơn và thành phố Việt Trì.
Kết quả kiểm tra cho thấy, Sở Tư pháp và Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với các Sở, ngành có liên quan bước đầu đã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp đã bố trí 01 cán bộ của Phòng Kiểm tra VBQPPL làm cán bộ chuyên trách theo dõi công tác đăng ký giao dịch bảo đảm; tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản số 3788/UBND-NCTD ngày 29/10/2010 triển khai thực hiện Nghị định số 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; ban hành Văn bản số 664/UBND-NC1 ngày 5/3/2012 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 05/2012/NĐ-CP; tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 43/2011/NQ-HĐND ngày 12/12/2011 về quy định mức thu, tỉ lệ điều tiết lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 69/2011/TTLT-BTC-BTP; trình UBND dự thảo Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa phương. UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã quan tâm trang bị cơ sở vật chất thiết yếu cho hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa phương.
Nhìn chung, các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại nơi được kiểm tra đã triển khai và thực hiện các quy định của pháp luật về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT ngày 18/11/2011 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên & Môi trường; thực hiện thu lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm và miễn lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm cho các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn vay vốn sản xuất kinh doanh theo đúng hướng dẫn của TTLT số 69/2011/TTLT-BTC-BTP.
Bên cạnh đó, các Văn phòng đăng ký đã bố trí cán bộ đăng ký giao dịch bảo đảm có năng lực, trình độ chuyên môn phù hợp để tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Tại nơi tiếp nhận hồ sơ, các văn phòng đăng ký đã niêm yết công khai các thủ tục hành chính về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, các quy định về phí, lệ phí, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tra cứu, thực hiện; về cơ bản việc từ chối đăng ký được thực hiện theo đúng hướng dẫn; thời hạn đăng ký được thực hiện đúng quy định của pháp luật, hầu hết các hồ sơ đăng ký thế chấp được giải quyết ngay trong ngày làm việc, tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện thủ tục vay vốn tại ngân hàng….
Tuy nhiên, công tác đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại tỉnh Phú Thọ vẫn còn tồn tại những hạn chế cần sớm khắc phục, cụ thể như: hiện nay, Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm mới đang ở bước dự thảo, chưa được ban hành, do đó trên thực tế, việc xác định phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của các Sở còn lúng túng; chưa có phương án cụ thể để thực hiện cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan có liên quan đến thông tin về giao dịch bảo đảm theo Thông tư liên tịch số 20/2012/TTLT-BTP-TNMT. Tại tỉnh Phú Thọ chưa tổ chức được các lớp tập huấn, bồi dưỡng pháp luật cho các đối tượng là cán bộ đăng ký của các Văn phòng, công chứng viên, tổ chức tín dụng...do đó, trong quá trình áp dụng pháp luật vẫn còn nhiều sai sót. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa thành lập được đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện, do đó những vướng mắc, hạn chế trong hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chậm được phát hiện, hướng dẫn và tháo gỡ kịp thời.
Qua kiểm tra hồ sơ lưu cho thấy, một số Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp chưa hợp lệ về mặt hình thức, ví dụ như: không kê khai đầy đủ tên và số chứng minh nhân dân của bên thế chấp trong đơn yêu cầu đăng ký, không kê khai số hợp đồng thế chấp hoặc kê khai không đầy đủ ngày ký kết hợp đồng thế chấp; một số tổ chức tín dụng vẫn sử dụng mẫu Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp cũ, chưa kê khai theo mẫu đơn đăng ký được ban hành theo Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT (hồ sơ tiếp nhận tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Thanh Sơn);
Trong quá trình thực hiện công tác đăng ký tại các Văn phòng đăng ký vẫn còn tồn tại một số sai sót nhất định, một số đơn yêu cầu đăng ký chưa ghi đầy đủ thời điểm tiếp nhận hồ sơ;công tác cập nhật, chỉnh lý hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm chưa được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật (ví dụ: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Phú Thọ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP. Việt Trì chưa thực hiện chỉnh lý Sổ theo dõi biến động đất đai, Sổ địa chính khi đăng ký thế chấp; Văn phòng đăng ký huyện Thanh Sơn chưa thực hiện chỉnh lý Giấy chứng nhận theo hướng dẫn tại Thông tư số 17/2010/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường)…
Kết thúc đợt kiểm tra, Đoàn công tác đã tổ chức họp thông báo kết luận sơ bộ với sự tham gia của đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên - Môi trường và các ban, ngành có liên quan (Sở Nội vụ, Văn phòng UBND thành phố, Sở Tài chính, Chi nhánh Ngân hàng nhà nước thành phố) cùng các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức tín dụng. Đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã tiếp nhận một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, ví dụ: hướng dẫn chi tiết về cơ chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, cơ quan thi hành án và cơ quan công chứng để việc áp dụng trên thực tế, hướng dẫn cụ thể về xử lý tài sản bảo đảm nhằm tăng cường tính thanh khoản của tài sản bảo đảm.
Thu Thủy – Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm