Thực hiện Chương trình số 39-CTr/BCS ngày 02/5/2012 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2012-2016, hôm nay (29/6), Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo nhằm xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn để lập luận cho quan điểm, định hướng sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 1999. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng chỉ đạo một số vấn đề cần trao đổi như sau:
Mặc dù Bộ luật Hình sự (BLHS) mới được sửa đổi, bổ sung năm 2009 nhưng với phạm vi sửa đổi hẹp chỉ liên quan đến một số điều nên BLHS vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ, toàn diện các yêu cầu của thực tiễn, nhiều bất cập của BLHS vẫn còn hiện hữu. Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện BLHS hiện hành là hết sức cần thiết nhằm tạo ra một BLHS của thời kỳ mới, là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhà nước, đấu tranh có hiệu quả phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; bảo vệ và góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, bảo vệ có hiệu quả các quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân, góp phần quan trọng vào việc tiếp tục hoàn thiện thể chế xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội, đồng thời thúc đẩy quá trình chủ động hội nhập quốc tế của nước ta.
Dự án BLHS (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII đưa vào chương trình chuẩn bị của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Việc sửa đổi, bổ sung BLHS lần này được thực hiện theo bốn định hướng cơ bản:
Một là, sửa đổi, bổ sung BLHS nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN mà trọng tâm là bảo vệ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân, bảo vệ vững chắc sự tồn vong của chế độ, duy trì trật tự an toàn xã hội và môi trường sống an lành cho người dân;
Hai là, sửa đổi, bổ sung BLHS nhằm bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN;
Ba là, sửa đổi, bổ sung BLHS nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện các nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam đã cam kết, đồng thời đấu tranh có hiệu quả với các tội phạm phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế;
Bốn là, sửa đổi, bổ sung BLHS nhằm hoàn thiện về kỹ thuật lập pháp hình sự, nâng cao tính minh bạch và tính dự báo trong các quy định của BLHS.
Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan chủ trì đã tiến hành các hoạt động nhằm triển khai việc xây dựng dự án BLHS (sửa đổi), một trong những hoạt động đó là tổ chức các Hội thảo khoa học
tham vấn ý kiến và kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà thực tiễn trong và ngoài nước về những luận cứ khoa học và thực tiễn của các định hướng sửa đổi, bổ sung BLHS, việc sửa đổi BLHS còn nhằm tạo ra một diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và các nhà hoạt động thực tiễn trao đổi ý kiến, quan điểm, kinh nghiệm của mình về những định hướng lớn nêu trên, qua đó hình thành những luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho hoạt động xây dựng dự thảo BLHS (sửa đổi).
Sau các bài tham luận là ý kiến trao đổi của các đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương, trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà xuất bản Tư pháp và nhiều chuyên gia pháp luật khác.
Kết thúc Hội thảo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đã cám ơn sự hưởng ứng và phối hợp nhiệt tình, tích cực của các cơ quan, đơn vị hữu quan và của các quý vị đại biểu. Sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn đã góp phần quan trọng làm nên sự thành công của Hội thảo và mong rằng sự hợp tác sẽ được tiếp tục phát huy trong thời gian tới./.
Nguyễn Văn Quân, ảnh Nguyễn Phương Anh
Nguyễn Phương Anh