Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 BCHTW Đảng khóa XIII

16/04/2025
Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 BCHTW Đảng khóa XIII
Sáng ngày 16/4/2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
 
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội kết hợp trực tuyến đến hơn 21.000 điểm cầu tại các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các ban, bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp Trung ương và các điểm cầu cấp huyện, cấp xã trong toàn quốc với hơn 1,5 triệu đại biểu dự tại các điểm cầu. Đồng thời, Đài truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp và Đài tiếng nói Việt Nam phát sóng trực tiếp Hội nghị.
Tại Hội trường Diên Hồng, dự Hội nghị có đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.
Đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước dự tại điểm cầu Bình Dương. Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước và đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ dự tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh.
Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; các đồng chí cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; các đồng chí báo cáo viên Trung ương, báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện. Đặc biệt, nhiều địa phương mở rộng điểm cầu đến các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, các điểm sinh hoạt cộng đồng.
 
Lãnh đạo Bộ Tư pháp và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Tư pháp
 
Tại điểm cầu Bộ Tư pháp có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Quang Thái, Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Bộ Tư pháp; đồng chí Phan Thị Hồng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; cùng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra, Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo và Dân vận, Văn phòng Đảng ủy Bộ, Bí thư các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Chủ tịch Công đoàn Bộ, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Bộ, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp.
Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ trình bày chuyên đề 01 về “Các dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng: Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026 - 2030”.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, tại Hội nghị lần thứ 11 vừa qua, Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận và đã có 538 lượt ý kiến để hoàn thiện dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Trong đó có nhiều điểm mới, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cần tập trung quán triệt tại Hội nghị để các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung chuẩn bị triển khai ngay; đồng thời, góp phần định hướng cho công tác xây dựng văn kiện Đại hội Đảng các cấp. Các dự thảo báo cáo đã được bổ sung, hoàn thiện theo hướng có tính cách mạng, hành động, chiến đấu, khả thi cao, ngắn gọn, súc tích, có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời bảo đảm tính khái quát cao của Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Truyền đạt những điểm mới trong dự thảo Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Báo cáo đã bổ sung nội dung phân tích bối cảnh, tình hình; khẳng định hoàn thiện con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam dựa trên 03 trụ cột chính là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xuyên suốt quá trình đó, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, không hy sinh môi trường, văn minh, công bằng, tiến bộ xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần, tăng trưởng nhanh, song phải bền vững.
Dự thảo Báo cáo chính trị phân tích, bổ sung, nhấn mạnh các điểm mới về bối cảnh, tình hình; đồng thời, bổ sung các kết quả nổi bật đánh giá kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII. Trung ương thống nhất chủ đề Đại hội lần thứ XIV là: “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030; tự cường, tự tin, tiến mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”. Chỉ số phát triển con người (HDI) được nâng lên. Nước ta thực hiện miễn học phí đối với học sinh mẫu giáo và phổ thông các cấp. Các cấp ngành, địa phương thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025; xây dựng 01 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp và công nhân lao động. Năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu được nâng lên.
Về những điểm mới trong dự thảo Báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030, Thủ tướng Chính phủ cho biết, kết quả phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 bổ sung, nhấn mạnh các nội dung: trong 02 năm cuối nhiệm kỳ tập trung chỉ đạo quyết liệt, ban hành nhiều quyết sách, tạo được nhiều dấu ấn mang tính lịch sử, nhất là thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh; thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được kiểm soát tốt. Mục tiêu phát triển giai đoạn 2026 - 2030, dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội đưa ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó, một số nội dung mới về: hoàn thiện thể chế, huy động nguồn lực; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới; phát triển kinh tế tư nhân, xác định rõ khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế; thực hiện quyết liệt đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Giới thiệu những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Trung ương thống nhất bổ sung đánh giá, nhấn mạnh một số kết quả nổi bật. Trong đó khẳng định, công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức đảng đã thật sự đặt ở vị trí “then chốt”. Việc thực hiện 10 nhiệm vụ về xây dựng Đảng, 03 nhiệm vụ trọng tâm và 03 giải pháp đột phá Đại hội lần thứ XIII đề ra, nhất là một số chủ trương, nhiệm vụ mang tính cách mạng đã được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với phương pháp tổ chức thực hiện rất mới, quyết liệt, hiệu quả, toàn diện, đồng bộ, sâu sắc, đạt được những kết quả rất quan trọng, tạo nền tảng để đất nước ta vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội trình bày chuyên đề 02 về “Sửa đổi hiến pháp và pháp luật; Phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031”.
Thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó có việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… mở ra cục diện mới phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới với tầm nhìn lâu dài.
Để đáp ứng yêu cầu nói trên, phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung 02 nhóm nội dung sau: Một là, các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội (tập trung ở Điều 9, Điều 10), để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vai trò tập hợp các giai cấp, tầng lớp, hướng mạnh về địa bàn dân cư, gần dân, sát dân, đến từng hộ gia đình. Hai là, các quy định tại Chương IX Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các cơ quan, tổ chức theo phạm vi thẩm quyền, lĩnh vực phụ trách đã tiến hành rà soát, lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Cụ thể, theo Báo cáo của Chính phủ, có khoảng 19.220 văn bản ở Trung ương và địa phương ban hành có nội dung chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp của việc thực hiện chủ trương tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, gồm 1.180 văn bản của Trung ương, 18.040 của địa phương.
Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự kiến bầu cử sớm hơn so với kỳ bầu cử trước để tạo sự đồng bộ với cấp ủy các cấp, kịp thời triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIV. Dự kiến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 là ngày Chủ nhật, 15/3/2026 và ngày 06/4/2026, Quốc hội họp phiên họp thứ nhất. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, ngay từ bây giờ.
Về số lượng đại biểu Quốc hội, dự kiến là 500 đại biểu, trong đó, tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 40%. Định hướng chung về cơ cấu là: đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 10%; đại biểu tái cử khoảng 30%; đại biểu nữ tỷ lệ ít nhất 35%, đại biểu là người dân tộc thiểu số ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội. Về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 căn cứ vào quy mô dân số từng đơn vị hành chính; thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trình bày chuyên đề 03 về “Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị sửa đổi Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 và Kết luận số 118-KL/TW ngày 18/01/2025 của Bộ Chính trị khóa XIII về đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030”.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư nêu rõ tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất cao những nội dung lớn, cốt lõi. Đây là Hội nghị mang tính lịch sử, quyết sách những vấn đề quan trọng, đột phá của giai đoạn cách mạng mới, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Những nội dung này có liên quan chặt chẽ với nhau và đều đề cập đến những vấn đề trọng tâm, cấp bách mà chúng ta phải tập trung thực hiện ngay sau hội nghị này và đến hết năm 2025.
Trước yêu cầu cùng lúc phải triển khai một khối lượng công việc rất lớn, phạm vi rộng, thời gian ngắn, chất lượng cao, nhiều việc chưa có tiền lệ và để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, Tổng Bí thư yêu cầu, phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, xác định đây là một “cuộc cách mạng” về sắp xếp bộ máy tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách, đổi mới để phát triển đất nước. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp phải sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của chủ trương này, tạo được sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong toàn Đảng và lan tỏa ra toàn xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng mà Trung ương đã đề ra. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan triển khai quyết liệt các công việc trên tinh thần “đúng vai, thuộc bài”, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ từ Trung ương đến các địa phương và giữa các địa phương với nhau, không được có tư tưởng “quyền anh, quyền tôi”, địa phương này, địa phương kia, tất cả vì lợi ích chung của đất nước, vì Nhân dân. Các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai các công việc trên tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, nhưng phải thận trọng, chắc chắn, bài bản, không nóng vội, chủ quan; có thứ tự ưu tiên, làm việc nào chắc việc đó, làm việc này phải tính đến việc khác liên quan và phải thực hiện đúng các quy trình thủ tục theo quy định, không làm tắt, làm ẩu, làm qua loa, đại khái bất cứ công việc nào.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp sẽ tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân bởi mỗi con người Việt Nam chúng ta đều in sâu trong ký ức những hình ảnh về quê quán, nơi “chôn rau cắt rốn” của mình. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, chúng ta phải thay đổi về tư duy, tầm nhìn; thống nhất về nhận thức, tư tưởng; phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước; vượt qua những băn khoăn, lo lắng, tâm lý, thói quen bình thường; vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn - “đất nước là quê hương”.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển. Vì vậy, cần khắc phục cả 02 khuynh hướng: sáp nhập các xã, phường quá rộng như một “cấp huyện thu nhỏ” dẫn đến không quán xuyến được địa bàn, không chủ động phục vụ được Nhân dân, dẫn đến biến chủ trương không tổ chức cấp huyện thành không tổ chức cấp xã; sáp nhập các xã, phường quá nhỏ, dẫn đến hạn chế về không gian, dư địa phát triển, đầu mối nhiều hơn dẫn đến cồng kềnh, kém hiệu quả. Ban Thường vụ các tỉnh phải bàn bạc, tính toán rất kỹ, trên tinh thần tầm nhìn lâu dài, vì nước, vì dân để có phương án bố trí, sắp xếp hợp lý nhất.
Về công tác cán bộ, Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ và biên chế của hệ thống chính trị; phải hết sức công tâm, khách quan trong bố trí cán bộ; thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn về công tác cán bộ bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường kiểm soát quyền lực, gắn quyền lực với trách nhiệm cá nhân. Không để xảy ra tình trạng mất đoàn kết, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền, cục bộ, bè phái, tham nhũng, lãng phí trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp.
Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý làm tốt công tác lựa chọn, bố trí lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh, cấp xã sau khi sáp nhập; phải tính toán đồng bộ, liên thông giữa cả 04 giai đoạn: Bố trí cán bộ sau khi hợp nhất - Nhân sự Đại hội Đảng cấp tỉnh, cấp xã - Nhân sự Đại hội Đảng lần thứ XIV - Nhân sự bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Công tác nhân sự đã rất quan trọng, nay lại càng quan trọng hơn trước yêu cầu mới. Nhân sự lãnh đạo các cấp và nhân sự Đại hội Đảng lần thứ XIV phải hội tụ “đủ đức - đủ tài - đủ tâm - đủ tầm - đủ sức - đủ nhiệt huyết cách mạng” để gánh vách trọng trách lịch sử của đất nước.
Trong tình hình hiện nay, không có chỗ cho những cán bộ cơ hội, bon chen, trung bình chủ nghĩa, lừng chừng, ngại đổi mới, thu vén cá nhân. Những ai tự thấy mình không đáp ứng yêu cầu thì tự nguyện rút lui, nhường chỗ cho người xứng đáng hơn, tự nguyện đứng về phía sau vì sự phát triển cũng là hành động bản lĩnh, dũng cảm, đáng tự hào, đáng được khen ngợi. Việc lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo các cơ quan ở địa phương sau khi sáp nhập, hợp nhất là trách nhiệm của Ban Thường vụ cấp ủy theo phân cấp, phải bàn bạc, thống nhất để bố trí “đúng người, đúng việc” theo tinh thần Kết luận số 150-KL/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị hướng dẫn về việc xây dựng phương án nhân sự đối với cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã mới được thành lập./.
 
Song An